Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009


HỘI NHẬP VĂN HOÁ VÀ ĐỜI TU
Tác giả: Jésus Alvarez Gómez, CMF.

Lm. Lê Công Đức
chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh:
Inculturation and Religious Life
của Colette Joly Dees
do ICLA và Claretians xuất bản

NỘi DUNG
Dẫn nhập
i. “văn hóa” từ ngữ được đắc dụng và bị lạm dụng
ii. ba tiền tố của thuật ngữ văn hóa
iii. công cuộc hội nhập văn hóa của tin mừng
iv. công cuộc hội nhập văn hóa của đời tu
v. cuộc nhập thể của Đức Kitô – mẫu thức cho cuộc hội nhập văn hóa của các tu sĩ
vi. những chuyển biến về địa dư của các cộng đoàn tu trì đòi hỏi những chuyển biến về văn hóa
vii. người tu sĩ trong động lực của công cuộc hội nhập văn hóa
viii. tính đa dạng văn hóa trong các cộng đoàn tu trì
ix. tôi là kẻ xa lạ trong nhà cha tôi
x. huấn luyện hội nhập văn hóa

Dẫn nhập
Hội nhập văn hóa là một trong những chủ đề thời sự nhất tại Thượng Hội Đồng Giám Mục 1994 (về Đời Sống Thánh Hiến) – như được thấy rõ từ Bản Báo Cáo Thứ Nhất của Hồng Y B. Hume cho đến Bản Đề Nghị chung kết đệ trình Giáo Hoàng.
Trước đó, trong Tài Liệu Làm Việc, hội nhập văn hóa vốn đã được thảo luận cặn kẽ, qui chiếu đến mọi góc cạnh của đời sống thánh hiến:
qui chiếu đến đặc sủng riêng của một ơn gọi, đến lối sống, đến những đường lối huấn luyện, những cách thức hoạt động tông đồ, đến đời sống cầu nguyện và phụng vụ, đến các nguyên tắc linh đạo, và đến việc tổ chức cộng đoàn. (1)
Hội nhập văn hóa không giới hạn duy chỉ trong việc vận dụng các tập tục. Đúng hơn, nó đòi hỏi
phải có một chuyển hóa thâm sâu trong não trạng và trong lối sống của người ta.Nó liên can không chỉ đến các Giáo Hội mới, mà còn cả đến những thay đổi đang diễn ra trong các nền văn minh tây phương nữa.Thực vậy, những cơ cấu đời sống thánh hiến được thiết lập trong các xã hội nông thôn thời Trung Cổ hay trong giai đoạn cách mạng công nghiệp của những thế kỷ vừa qua dường như không luôn luôn phản ảnh được những nhu cầu và khát vọng của con người hiện đại. (2)
Hội nhập văn hóa không những phải tôn trọng các yếu tố thiết cốt của đời sống thánh hiến nói chung (3) mà còn phải tôn trọng bản sắc của đặc sủng mà mỗi hội dòng kế thừa từ vị sáng lập của mình. “Người ta có thể nói rằng hội nhập văn hóa trở thành một đặc nét của đời sống thánh hiến – theo mỗi bối cảnh cụ thể. Đôi khi đặc nét đó chính là sự tiếp tục duy trì bản sắc văn hóa; song có những khi – do phải trình bày tính mới mẻ của Tin Mừng – đặc nét đó thậm chí bộc lộ ra nơi một sự đoạn tuyệt cái cũ và thay thế bằng cái mới.” (4)
Trong Bản Báo Cáo Thứ Hai đệ trình các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng, chính Hồng Y B. Hume ghi nhận rằng “từ ngữ hội nhập văn hóa đã không ngừng được sử dụng đến trong hai tuần lễ vừa qua. Các Nghị Phụ và toàn thể cử tọa đã nhắc đi nhắc lại những kinh nghiệm tương đối tích cực liên quan đến các sáng kiến của những người sống đời thánh hiến cố gắng sống sự thánh hiến của mình một cách hoàn toàn trung thành với đoàn sủng nguyên thủy và – trong hiện tại – trung thành với việc nhập thể thực sự vào các nền văn hóa địa phương.” (5)
Một trong những đề nghị mà Thượng Hội Đồng đệ trình Đức Thánh Cha (6) đã vạch ra ba khía cạnh mà cuộc hội nhập văn hóa của đời sống thánh hiến phải bao hàm:
1. Đời sống thánh hiến cần phải được hội nhập văn hóa vừa nhằm để quảng bá cho chính lối sống này vừa để phục vụ cho chất lượng của chứng tá Phúc Aâm mà lối sống này có bổn phận phải trao cho thế giới. Đời sống thánh hiến đích thực – tự thân nó – vốn là một công cuộc “Phúc Aâm hóa nền văn hóa.” Nó là một cái gì đầy sống hoạt, đòi hỏi sự kiên trì và sự từ bỏ. Nó là sự ‘tự hủy ’của Đức Kitô, trao hiến chính sự sống mình để cho anh chị em mình được sống. Nó đòi hỏi công việc biện phân hết sức nghiêm túc. Nó đặt nền tảng trên việc đi theo Đức Kitô, trên mầu nhiệm hiệp thông và sự tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đời sống thánh hiến phải trình bày một chứng từ hữu hiệu và sáng tỏ hơn nữa về đặc sủng của riêng mình, vì công cuộc hội nhập văn hóa ảnh hưởng đến sức sống, đến hoạt động mục vụ và đến khả năng kiên trì của các thành viên thuộc lối sống này. Những người sống đời thánh hiến phải phấn đấu không mệt mỏi để tìm hiểu những nền văn hóa mà mình được mời gọi sống và làm việc trong đó – để nhận ra những giá trị đích thực trong các nền văn hóa, và để xác định bằng cách nào đặc sủng của mình có thể vận dụng hay chuyển hóa những giá trị này nhằm giúp cho mạc khải Kitô giáo không ngừng thấm nhập vào các nền văn hóa ấy. Những người sống đời thánh hiến phải thường xuyên tự hỏi bằng cách nào mình có thể Phúc Âm hóa những nền văn hóa đang đổi thay nhanh chóng tại các quốc gia công nghiệp hóa ào ạt nhất – nơi mà các thành phố lớn đang mọc lên và những vấn đề mới mẻ đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong đời sống hằng ngày.
2. Các thánh bộ của Tòa Thánh phải nâng đỡ những nỗ lực hội nhập văn hóa của các địa phương và phải tạo điều kiện dễ dàng cho hoạt động của các hội dòng tại các Giáo Hội địa phương, nhằm đáp ứng một cách hữu hiệu và sáng tạo hơn đối với nhu cầu hội nhập văn hóa.
3. Để thúc đẩy một tiến trình hội nhập văn hóa đích thực, các thành viên của các hội dòng phải làm quen với các nền văn hóa địa phương, phải phấn đấu để vận dụng những tập tục, những cách suy nghĩ và ứng xử có giá trị đặc trưng của các nền văn hóa ấy, và phải thấm nhuần các giá trị của chúng bằng một cách thế sao cho chúng cũng hấp thu ánh sáng và năng lực của Tin Mừng.
Thượng Hội Đồng Giám Mục muốn tất cả các thành viên của các hội dòng phải nhận một giai đoạn huấn luyện trong các chủng viện, tập viện – một sự huấn luyện nhằm trang bị cho họ khả năng Phúc Âm hóa các nền văn hóa.
Trong nhãn giới của tất cả những gì vừa nói trên, thật dễ hiểu tại sao Thượng Hội Đồng Giám Mục đã gán một tầm quan trọng phi thường cho công cuộc hội nhập văn hóa của đời tu, hay theo một nghĩa rộng hơn, cho công cuộc hội nhập văn hóa của đời sống thánh hiến (vì Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng qui chiếu đến cả các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ nữa).
————————-

i. văn hóa – từ ngữ được đắc dụng và bị lạm dụng
Hai tiếng ‘văn hóa’ thường được sử dụng để nói đến kiến thức đắc thủ bởi một cá nhân hay một tập thể. Tuy nhiên, đây chỉ là một khái niệm có tính định lượng, không định phẩm. Theo nghĩa trên, ta có thể nói rằng người ta được khai hóa khi người ta biết nhiều thứ. Như vậy, ta cũng có thể nói rằng người này được khai hóa nhiều hơn người kia, hoặc nói rằng dân tộc này có một trình độ văn hóa cao hơn dân tộc nọ – căn cứ vào số lượng nhiều hay ít những người mù chữ , số lượng sách báo được đọc và thậm chí căn cứ vào số lượng giấy được tiêu thụ ít hay nhiều.
Nhưng từ ngữ ‘văn hóa’ còn có một ý nghĩa khác, quan trọng hơn: ‘văn hóa’ là tất cả những lối suy nghĩ, những lối cảm nhận và ứng xử đem lại cho nhóm người nào đó một căn tính riêng của mình trong không gian và thời gian. Theo nghĩa này, chúng ta không còn có thể nói – chẳng hạn – rằng văn hóa của Châu Âu vĩ đại hơn văn hóa của Châu Phi. Thay vào đó, phải nói rằng Châu Âu có nền văn hóa riêng của nó, không cao hơn cũng không thấp hơn, không tốt hơn cũng không xấu hơn so với bất cứ nền văn hóa nào khác. Âu Châu, Á Châu, Phi Châu … có những nền văn hóa khác biệt nhau.
Tất cả những lối suy nghĩ, cảm nhận, và ứng xử này đóng vai trò như một hệ thống. Nghĩa là, nếu có một sự đột biến xảy ra với bất cứ thành tố nào trong đó thì lập tức cũng sẽ có một sự đột biến hay một sự thích nghi nơi các yếu tố còn lại cho đến khi thế quân bình của tất cả được vãn hồi. (7)
Văn hóa có mặt ngay từ khi có loài người, nhưng chúng ta chỉ suy tư về văn hóa một cách mạch lạc mới gần đây thôi, từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), đặc biệt sau khi Oswald Spengler xuất bản cuốn sách nổi tiếng của ông: The Decline of the West (1922) trong đó ông dự báo về sự biến mất nhanh chóng của văn hóa tây phương. Nhưng tiên đoán bi quan của Spengler ngay lập tức bị thay thế bằng tinh thần phấn chấn lạc quan – bởi vì trong thực tế văn hóa tây phương đã không biến mất. Trái lại, chính văn hóa ấy đã phát động những bước tiến nhảy vọt trong khoa học và kỹ thuật, làm cho văn hóa tây phương trở thành mục tiêu mà mọi người ước mơ và tìm kiếm – cho đến khi nó trở thành mẫu thức chung của mọi nền văn hóa, nhất là đối với các dân tộc thuộc Thế Giới Thứ Ba – với những mối nguy hiểm và những triển vọng rõ rệt của nó. Thực vậy, nhân danh mẫu thức chung này, các nền văn hóa khác đã chịu đựng những cuộc bức bách thật sự, mặc dù trong nhiều trường hợp, người ta nhận thấy một số nền văn hóa nhỏ tự làm mình tiêu vong trong khi cố bắt chước văn hóa tây phương một cách mù quáng.
May thay, sự cáo chung của thực dân ở Á Châu và Phi Châu đã đem lại một phong trào về nguồn, trở về với các giá trị văn hóa bản xứ , tạo ra một cuộc đấu tranh đích thực cho sự độc lập không chỉ về chính trị mà còn về văn hóa nữa. Vì vậy, trong một thời gian ngắn, khoảng ba mươi năm trở lại đây, chúng ta đã đi từ thái độ tẩy chay mọi sự xâm lược về văn hóa đến thái độ cởi mở đối thoại với các nền văn hóa.
Trong Hiến Chế Gaudium et Spes, Công Đồng Vatican II đã tự định vị mình trong viễn tượng phục hồi các giá trị của các nền văn hóa. Công Đồng nhìn nhận và bảo vệ tính tự trị chính đáng của các nền văn hóa (GS 55), và vì thế Công Đồng cũng nhìn nhận và bảo vệ tính đa nguyên văn hóa (GS 53) cũng như nhìn nhận khả năng mọi nền văn hóa có thể tiếp xúc với Tin Mừng. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã qui chiếu đến điều này khi ngài nói với Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa:
Dù mối ưu tư đối với công cuộc Phúc Âm hóa các nền văn hóa không phải là một mối ưu tư mới mẻ, song vẫn có nhiều vấn đề rất mới mẻ hiện lộ ra trong một thế giới in đậm tính đa nguyên, một thế giới với những ý thức hệ xung đột nhau cách gay gắt, một thế giới với những thay đổi nền tảng về các não trạng. (8)
Trước hết, để tránh mọi sự nhập nhằng lộn xộn, chúng ta phải minh định ý nghĩa cụ thể và chính xác khi sử dụng thuật ngữ ‘văn hóa’, một thuật ngữ không phải luôn luôn được người ta dùng với ý nghĩa thích đáng của nó.
1. Văn Hóa, Một Khí Cụ Để Quan Chiêm Thế Giới
Trong số nhiều tác giả hiện đại viết về văn hóa, thật không dễ tìm ra hai người nhất trí với nhau về một định nghĩa cho từ ngữ này, bởi vì hai tiếng ‘văn hóa’ có thể được sử dụng với ý nghĩa từ rất hẹp đến rất rộng. Theo một ý nghĩa chuyên biệt nhân loại học, văn hóa là khả năng nhờ đó con người diễn tả qua các biểu tượng – cho chính mình và cho người khác – những phản ứng và những mối quan hệ của một cá nhân và của những nhóm người đối với môi trường của họ và mối tương giao giữa họ với môi trường đó. Từ viễn tượng nhân loại học này, văn hóa được xem như một thấu kính qua đó người ta cảm nhận nhiều sắc thái của thế giới.
2. Không Có Những Nền Văn Hóa Thượng Hạng Hay Thấp Kém, Chỉ Có Những Nền Văn Hóa Khác Nhau Mà Thôi.
Như chúng ta đã đề cập, mọi con người, mọi dân tộc và mọi nhóm xã hội là chủ thể của văn hóa. Nghĩa là, dân tộc nào cũng có nền văn hóa của riêng mình. Hay nói cách khác, không có dân tộc nào ở trong một tình trạng vô văn hóa. Như vậy, các nền văn hóa không khác biệt nhau theo những phạm trù như cao và thấp, hay trên và dưới. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa của riêng mình, nền văn hóa mà tự thân nó không cao hơn cũng không thấp hơn so với bất cứ một nền văn hóa nào khác. Nó chỉ khác với mọi nền văn hóa khác mà thôi.
3. Văn Hóa Không Lẫn Lộn Với Văn Minh.
Chúng ta phải tránh việc đồng hóa khái niệm văn hóa với những gì vốn chỉ là các khía cạnh của nó, chẳng hạn những cái thường được gọi là “các thành tựu lớn lao của con người” (như các kiệt tác văn chương và nghệ thuật, vv…), nhất là chúng ta không được đồng hóa “văn hóa” với “văn minh”. Bởi vì một khi chúng ta đồng hóa như vậy, văn hóa sẽ bị giảm trừ đến chỉ còn là “văn hóa vật chất” – và khi đó, người ta có thể nói đến những văn hóa cấp cao, văn hóa cấp thấp, những văn hóa tiến bộ, văn hóa thụt lùi, vv… Đồng hóa như vậy là chấp nhận quan điểm rất phổ biến hiện nay rằng những người thuộc các nền văn hóa chậm tiến đương nhiên muốn đạt đến ‘nền văn hóa hiện đại’ của các dân tộc đang sở hữu những kỹ thuật cao – cơ hồ như ‘văn minh khoa học và kỹ thuật’ là mẫu thức chung mà ngày nay mọi dân tộc cần phải đạt đến. Thật ra, trong lịch sử loài người, chúng ta đang chứng kiến một cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa một bên là sự ‘thống nhất’ hay sự chinh phục của ‘mẫu thức chung’ này (tức văn hóa khoa học và kỹ thuật, là cái có sức đem lại cho người ta nhiều tiện nghi vật chất hơn) và bên kia là sự ‘phân tán’ các nền văn hóa – trong đó mỗi dân tộc và mỗi nhóm người cố gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của mình; bởi vì ‘nền văn hóa khoa học và kỹ thuật’ không hề có dân tộc riêng của nó, không có lãnh thổ riêng và lịch sử riêng.
4. Không Có Những ‘Nền Văn Hóa Áp Bức’ Hoặc Những ‘Nền Văn Hóa Bị Áp Bức’.
Văn hóa “khoa học và kỹ thuật” có thể trở thành một mẫu thức chung có giá trị của mọi nền văn hóa nếu nó phục vụ cho việc bảo vệ và củng cố những giá trị đích thực trong nền văn hóa của mỗi dân tộc. Trên nguyên tắc, nó có thể phục vụ cho mục đích ấy; nhưng trong thực tế, có rất nhiều sự cản trở không thể vượt qua được. Đó là lý do tại sao sẽ không thích đáng nếu ta nói đến những ‘nền văn hóa áp bức’ và những ‘nền văn hóa bị áp bức’. Những cụm từ này thường được sử dụng để nhấn mạnh các khía cạnh tiêu cực của các loại ‘thực dân’ khác nhau. Đúng ra văn hóa là một khí cụ mà những kẻ bị áp bức có thể dùng để đề kháng những người áp bức mình.
5. Không Được Đồng Hóa Văn Hóa Với ‘Các Giá Trị Phổ Quát’.
Chúng ta cũng không được lẫn lộn văn hóa với cái thường được gọi là ‘các giá trị phổ quát’ – chẳng hạn như kiểu nói ‘nền văn hóa hay văn minh tình yêu’ của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II và những kiểu nói khác như ‘nền văn hóa đoàn kết’ hay ‘nền văn hóa dân chủ’, vv… Trong những trường hợp đó, từ ngữ văn hóa được sử dụng một cách loại suy chứ không phải một cách đơn nghĩa.
6. Không Có Nền Văn Hóa ‘Kitô Giáo’.
Chúng ta cũng không nên nói về ‘nền văn hóa Kitô giáo’, bởi vì Kitô giáo không phải là một nền văn hóa. Kitô giáo là sự sống mà Thiên Chúa Cha đã trao ban nhưng không, qua Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô, cho tất cả mọi người nam cũng như nữ thuộc mọi chủng tộc, mọi lứa tuổi, để họ có thể biến sự sống này thành bản chất và căn tính của mình, bằng cách thế của riêng mình. Tin Mừng ở trên mọi dân tộc và mọi nền văn hóa, vì thế mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa đều có thể tương thích với nó. Một đàng, quả thực không hề có một thứ Tin Mừng khơi khơi giữa trời, bởi vì Tin Mừng hay Kitô giáo không tồn tại trong một khoảng chân không bất định nhưng là nhập thể trong một dân tộc và một nền văn hóa. Song đàng khác, cũng quả thực rằng Tin Mừng không đồng hóa với bất cứ nền văn hóa nào hiểu như là một chuẩn mực mà mọi nền văn hóa khác phải lụy thuộc hoặc ít nhất phải bắt chước để có thể đón nhận Tin Mừng.
7. Giáo Hội Đối Thoại Với Các Nền Văn Hóa.
Lịch sử cho thấy rằng Giáo Hội đã không luôn luôn đối thoại với các nền văn hóa. Vào thuở ban đầu của Giáo Hội, các Kitôhữu theo lối sống Do Thái đã cố tìm cách đồng hóa Kitô giáo với cơ cấu văn hóa Do Thái đến nỗi không một cá nhân hay một dân tộc nào có thể trở thành Kitôhữu nếu trước hết không mặc lấy cốt cách văn hóa Do Thái. Điều tương tự cũng đã xảy ra với các Kitôhữu Rô-ma là những người sống giữa các dân tộc man di và nghĩ rằng những người man di không thể trở thành Kitôhữu nếu trước hết không mặc lấy cốt cách văn hóa Hy-La là cái được đồng hóa với chính Tin Mừng. Điều đó lại xảy ra một lần nữa khi những người tây phương loan báo Tin Mừng cho vùng Viễn Đông, cho Tân thế giới (được khám phá hồi cuối thế kỷ 16), và cho Phi Châu. Ở đây, Tin Mừng được đồng hóa với nền văn hóa tây phương và người ta nghĩ rằng những người thuộc các dân tộc khác cần phải trước hết được ‘tây phương hóa’ trước khi có thể đón nhận Tin Mừng. Ngày nay, có lẽ chúng ta đang tiến qua thái cực ngược lại để đồng hóa Tin Mừng với nền văn hóa của những người được rao giảng Tin Mừng,bởi vì những người này không bị nhiễm văn hóa tây phương vốn có tiêu điểm sai lạc về Tin Mừng.
Tuy nhiên, chúng ta có thể cùng với Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng Giáo Hội cách chung đã đối thoại với các nền văn hóa mà Giáo Hội gặp gỡ trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình.
Ngay từ thuở ban đầu trong lịch sử mình, Giáo Hội đã học cách diễn tả sứ điệp của Đức Kitô bằng những khái niệm và ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau và, hơn nữa, Giáo Hội đã cố gắng làm sáng tỏ sứ điệp ấy trong ánh sáng khôn ngoan của các nhà hiền triết bản địa để làm cho mọi người có thể nhận hiểu Tin Mừng và – trong chừng mực có thể – để đáp ứng đòi hỏi của những người thông thái. Quả thực, sự thích nghi và cách rao giảng Lời mạc khải như vậy phải là nguyên tắc của mọi cuộc rao giảng Tin Mừng. (GS 44).
8. Không Được Đồng Hóa Văn Hóa Và Tin Mừng.
Cả hai thái cực được đề cập đến trong đoạn trên đều không bộc lộ sự loan báo Tin Mừng đích thực, bởi vì trong cả hai trường hợp ấy Tin Mừng bị tước mất cự ly phê bình của nó, bị tước mất đặc tính thanh luyện các nền văn hóa của nó – bao gồm nền văn hóa của người rao giảng và nền văn hóa của những người được rao giảng. Thật vậy, trong cả hai trường hợp, có một sự đồng hóa Tin Mừng với văn hóa – điều không bao giờ nên xảy ra:
Tin Mừng và, do đó, công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn không đồng hóa với văn hóa. (EN 20)
9. … Nhưng Có Một Mối Gắn Kết Chặt Chẽ Giữa Văn Hóa Và Tin Mừng.
Ở đối cực của những gì vừa được ghi nhận trong đoạn trên, không nên có một sự phân rẽ triệt để giữa Tin Mừng và văn hóa cơ hồ như chúng là hai cực loại trừ lẫn nhau. Theo nhận định của Đức Thánh Cha Phao-lô VI, đây chính là bi kịch lớn của thời đại chúng ta:
Khoảng cách giữa Tin Mừng và văn hóa rõ ràng là tình trạng đáng buồn của thời đại chúng ta, cũng như trong bất cứ thời đại nào khác. Vì thế, cần phải thực hiện mọi nỗ lực để bảo đảm Phúc Âm hóa hoàn toàn văn hóa, hay nói đúng hơn, Phúc Âm hóa hoàn toàn các nền văn hóa. (EN 20)
Cần phải có một mối gắn bó chặt chẽ giữa Tin Mừng và nền văn hóa của một dân tộc – bởi vì chúng là hai thực tại cuốn hút lẫn nhau và đòi hỏi lẫn nhau. Tin Mừng phải nhập thể vào trong những con người và những dân tộc cụ thể. Nghĩa là, cần có sự điều hưởng với văn hóa theo mức độ mà Tin Mừng phải được loan báo cho con người ở mọi thời và mọi nơi. Đàng khác, người ta ở mọi thời và mọi nơi đều có một tâm hồn ‘Kitôhữu tự nhiên’ (9) khát vọng Tin Mừng:
… vương quốc mà Tin Mừng loan báo được sống bởi những người gắn bó thâm sâu với một nền văn hóa, và công cuộc xây dựng vương quốc ấy không thể tránh việc vay mượn các yếu tố trong các nền văn hóa của con người. Mặc dù độc lập đối với các nền văn hóa, Tin Mừng và công cuộc loan báo Tin Mừng không thiết yếu phải xung khắc với chúng; đúng hơn, Tin Mừng và việc loan báo Tin Mừng có thể thu nhận tất cả các nền văn hóa mà không lụy thuộc vào bất cứ nền văn hóa nào. (EN 20)
Thật vậy, khi loan báo Tin Mừng, người rao giảng chỉ đang làm công việc phát quang mảnh đất để cho những người được rao giảng có thể khám phá ra ‘những hạt giống Lời Chúa’ vốn đang nằm ngủ im sẵn đấy trong chính họ (10). Nói cách khác, nơi những người được rao giảng, Đức Kitô đang chờ những con người rao giảng Tin Mừng:
Trước khi trở thành nhục thể để cứu độ và thu họp mọi sự nơi chính Người, Ngôi Lời đã hiện diện trong thế giới trong tư cách là “ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người.” (Ga 1, 9)
Vì thế, như Eusebius thường nói, khi các sứ giả Tin Mừng đến với một dân tộc, họ luôn tìm thấy nơi dân tộc ấy đã có sẵn một “sự chuẩn bị thực sự để đón nhận Tin Mừng.” (11)
10. “Văn Hóa Của Quần Chúng” Và “Văn Hóa Bình Dân”.
Khái niệm “văn hóa của quần chúng” – vốn thường được sử dụng ngày nay – không phải là một khái niệm có cơ sở vững chắc, ngay cả dù kiểu nói này cố qui chiếu một cách nhầm lẫn đến sự cần thiết phải thông qua đại chúng trong việc tiếp cận văn hóa. Thực ra, “văn hóa của quần chúng” chỉ là một thứ phẩm của “văn hóa hiện đại” là nền văn hóa vừa không hậu thuẫn cho bản sắc cá nhân vừa thúc đẩy tính cách thụ động, một trong những nét đặc trưng của “nền văn hóa tiêu thụ”. Do vậy, nó là một công cụ để khai thác người ta, cá nhân cũng như tập thể. Đối lập lại với “nền văn hóa của quần chúng” đầy sức hủy diệt đối với các bản sắc của các cá nhân và các dân tộc, chúng ta nên cổ súy cho nền “văn hóa bình dân” theo nghĩa là thúc đẩy bản sắc riêng của người ta để đấu tranh chống lại “nền văn hóa đại chúng’ mà một số người muốn áp đặt lên họ.
11. Không Đồng Hóa Văn Hóa Với Những Phản-Giá-Trị.
Một cách nghịch lý, ngày nay từ ngữ văn hóa rất nhiều khi được dùng để chỉ những “giá trị nghịch”, và rất đáng tiếc là xu hướng này đang càng ngày càng trở nên phổ biến hơn – chẳng hạn, người ta nói đến “văn hóa tiêu thụ”, “văn hóa hưởng lạc”, “văn hóa sự chết”, vv… (SD 9, 26, 219, 235). Rõ ràng là trong những “nền văn hóa” như vậy, việc hội nhập văn hóa của công cuộc loan báo Tin Mừng sẽ trở thành một sự mâu thuẫn hoàn toàn. Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng nếu muốn dùng khái niệm “hội nhập văn hóa công cuộc loan báo Tin Mừng”, chúng ta cần phải hạn định hai tiếng văn hóa nơi những giá trị đích thực hiện diện trong nền văn hóa của một dân tộc hay một nhóm xã hội. Rõ ràng điều ấy cũng hàm ý rằng trong quá trình Tin Mừng được hội nhập văn hóa, các nền văn hóa phải được tinh lọc khỏi những phản-giá-trị chắc chắn đã thấm nhiễm vào chúng;
… chúng phải được tái sinh nhờ cuộc gặp gỡ với Tin Mừng. (EN 20)
Một đàng, việc “hội nhập văn hóa của công cuộc loan báo Tin Mừng” sẽ vạch rõ tất cả những phản-giá-trị của một nền văn hóa; và đàng khác, nó luôn sẵn sàng thu nhận và liên đới với tất cả các giá trị đích thực của nền văn hóa ấy.
12. Định Nghĩa Của Vatican II Về Văn Hóa.
Ở đây, thuật ngữ văn hóa được hiểu trong một ý nghĩa rất rộng như được trình bày bởi Công Đồng Vatican II:
Đó là tất cả những gì con người dùng để trau giồi và phát triển các năng khiếu đa dạng của tinh thần và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn nhân loại tiến bộ hơn. (12)
13. Những Khía Cạnh Bao Hàm Trong Định Nghĩa Của Vatican II Về Văn Hóa.
Chúng ta phải xem xét qua các khía cạnh bao hàm trong định nghĩa trên của Công Đồng về văn hóa.
• Khía cạnh cá nhân: bởi vì
chỉ có nhân vị con người mới có thể đạt được nhân tính trọn vẹn và đích thực thông qua văn hóa. (13)
Người ta, nam cũng như nữ, là những con vật có văn hóa – bởi vì chính họ tạo ra văn hóa và xuyên qua văn hóa mà họ đạt được nhân tính trọn vẹn: “họ nêu bật phẩm giá nhân vị của họ, trở thành một nhân vị đúng nghĩa hơn,” như Đức Phao-lô VI đã phát biểu (14). Trong tư cách là vấn đề sống còn của việc tự kiện toàn nhân vị con người, và đồng thời trong tư cách là một tiến trình hội nhập văn hóa, theo ý nghĩa nhân loại học của thuật ngữ, văn hóa vốn đã có mặt ngay từ khi con người có mặt. Hành động có tính văn hóa đầu tiên có thể được xem như khởi điểm của lịch sử con người đã xảy ra khi con người, do áp lực của nhu cầu tồn sinh, đưa ra câu trả lời đầu tiên đối với những thách đố đặt ra bởi chính phản ứng thể lý của mình đối với thế giới xung quanh. Điều này được hiểu như một biến cố thuộc lịch sử hơn là một sử liệu thành văn, và do đó cũng được hiểu như là sự khởi đầu của văn hóa.
Theo nghĩa đó, con người là hữu thể duy nhất có văn hóa. Loài vật không có văn hóa bởi vì bản tính của chúng được tiền định để phản ứng luôn luôn giống nhau đối với những kích động bên ngoài, và các phản ứng của chúng luôn luôn có tính tĩnh tại và lặp đi lặp lại.
• Khía cạnh vũ trụ: Tất cả các tài nguyên và các giá trị tự nhiên mà con người – xuyên qua kiến thức và lao động của mình – tìm cách chinh phục nơi trái đất.
• Khía cạnh xã hội: Tất cả những gì mà qua đó con người làm cho đời sống xã hội, trong gia đình và trong cộng đồng dân sự, có tính nhân đạo nhiều hơn – xuyên qua việc cải thiện các tập tục và các cơ chế.
• Khía cạnh lịch sử: Sự kiện rằng con người diễn tả các kinh nghiệm nhân linh và các khát vọng của mình ở mọi tuổi tác; con người truyền đạt và bảo quản những kinh nghiệm và những khát vọng này, để chúng có thể phục vụ như một nguồn cảm hứng, vì thiện ích của toàn thể nhân loại.
• Khía cạnh xã hội học: Qui chiếu đến tính đa nguyên của các nền văn hóa và khả năng xã hội hóa của chúng – hiểu theo mức độ mà nền văn hóa của mỗi nhóm người có khả năng làm cho họ thích nghi với xã hội cụ thể của mình.
• Khía cạnh năng động: Văn hóa thường xuyên phải qui phục những sự thay đổi gây ra bởi nhiều bước quặt mà xã hội gặp trên lộ trình lịch sử, nhất là những xã hội phức hợp nhất với các tổ chức xã hội đa dạng của chúng – qua đó các giải pháp được phát minh dọc theo tiến trình lịch sử để giải quyết những vấn đề thường tình như việc bảo quản và sự sống còn.
• Khía cạnh tích lũy: Đặc biệt trong các xã hội truyền thống, văn hóa là một quá trình tích lũy trong đó nó chứa đựng tất cả các kinh nghiệm lịch sử được sống bởi các thế hệ đi trước, nhằm bảo quản những gì xưa cũ, bất kể rằng đã có những thành đạt tiếp theo sau.
• Khía cạnh cơ cấu: Có những yếu tố thường hằng cho phép người ta nghiên cứu và nhận ra mỗi nền văn hóa; đây là những yếu tố phân biệt giữa nền văn hóa này và nền văn hóa khác.
(1) Tài Liệu Làm Việc, 93.c
(2) Tài Liệu làm Việc, 93 d.
(3) Tài Liệu Làm Việc, 94 a.
(4) B. Hume, Relacioùn Primera, 23
(5) B. Hume, Relacioùn Segunda, c. IV
(6) Elenchus finalis propositionum, propositio 40

(7) P. Codina, (ed), Iglesia y sociedad. Veinte siglos de historia, Barcelona 1977, tr. 12 – 13.
(8) John Paul II, Address to the Pontifical for Culture, 15 Jan. 95
(9) Tertulian, Apologeticum, c. 17
(10) Clement of Alexandria, Stromata I, 19, 91, 94; cf. EN 53.
(11) Eusebius of Caesarea, Praeparatio evangelica, I, 1; cf. LG 16.
(12) GS 53
(13) GS 53
(14) Populorum Progressio, 15.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét