Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

ĐAN SĨ SỐNG LỜI CHÚA THEO VERBUM DOMINI

ĐAN SĨ SỐNG LỜI CHÚA THEO VERBUM DOMINI
(Tham chiếu phần II của tông huấn)
“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,3). Lời Chúa là Lời hằng sống, không thể sống nếu không có  Lời của Thiên Chúa.  Tông Huấn Verbum Domini bàn nhiều đến Lời Chúa dưới nhiều khía cạnh, nhằm giúp cho các tín hữu, trong đó có các đan sĩ,  biết quý trọng, yêu mến và sống Lời Chúa. Trong phần II của Tông Huấn Đức thánh Cha nhấn mạnh nhiều đến việc đón nhận và sống Lời Chúa. Ngài cũng đề ra những cách thức thực hành cụ thể trong việc sống Lời Chúa: Sống Lời Chúa qua việc đón nhận, qua việc cử hành các bí tích, cử hành phụng vụ, …. Ở  đây chúng ta dựa vào phần II để rút ra vài điểm liên quan đến đời sống đan tu của chúng ta. Đan sĩ đón nhận và sống Lời Chúa qua việc lắng nghe, qua việc cử hành phụng vụ, và qua việc đọc Kinh Thánh, Lectio Divina.
I.             ĐÓN NHẬN LỜI THIÊN CHÚA

1.    Đan sĩ đón nhận Lời qua việc lắng nghe
Tông huấn số 50 nói : “Đức Chúa công bố Lời của Ngài để Lời Ngài được đón nhận bởi những kẻ đã được tạo dựng "bởi" chính Ngôi Lời. "Người đã đến nhà mình" (Ga 1,11). Nhưng Lời đã không được đón nhận như Thiên Chúa mong muốn. Và những ai, như Tông Huấn nói, “không đón nhận Lời có nghĩa là không lắng nghe tiếng của Lời, không sống phù hợp với Logos. Ngược lại, nơi nào con người, dù mỏng giòn và tội lỗi, chân thành mở ra gặp gỡ Đức Kitô, thì nơi ấy bắt đầu xuất hiện một sự thay đổi tận căn: "còn những ai đón nhận thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa" (Ga 1,12). Đón nhận Ngôi Lời có nghĩa là để cho Người uốn nắn để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, với "Con Một đến từ Chúa Cha" (Ga 1,13) nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.”
Thánh Biển Đức trong Lời Mở đã nói : “Con ơi, lắng nghe lời Thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được, để nhờ gắng công vâng phục, con trở về với Đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân. Vậy giờ đây cha nói con nghe, dù con là ai mà đã đoạn tuyệt với ý riêng, mang lấy khí giới mạnh mẽ oai hùng của đức vâng phục, để chiến đấu cho Chúa Ki tô”.  Thiên Chúa luôn luôn nói, và con người cách riêng người đan sĩ, phải mở tai lòng mà đón nhận lời đó. Có thể nói cả cuộc đời của người đan sĩ là lắng nghe Lời của Thiên Chúa, đón nhận lời đó và đem ra thực hành trong cuộc sống. Cả cuộc đời của họ luôn được nhắc nhở : “Con ơi, lắng nghe lời thầy dạy”
Lời của Thiên Chúa đến với chúng ta qua nhiều cách thế, trước tiên qua Kinh Thánh, kế đó là qua các buổi cử hành phụng vụ, rồi qua bề trên, qua anh em và qua chính hoàn cảnh của cuộc sống. Điều quan trọng là mỗi đan sĩ nghe cho ra Lời của Ngài, để cho Lời Ngài đi vào trong cuộc sống của mình. Nếu đan sĩ được định nghĩa là người đi tìm kiếm Chúa thì họ phải lắng nghe tiếng nói của Ngài. Muốn tìm Ngài mà không muốn nghe tiếng nói của Ngài là một chuyện mâu thuẩn
Ngày nay đan sĩ đang sống trong một môi trường “ô nhiễm” với những tiếng ồn ào, những thứ vật chất không ngừng lôi kéo người đan sĩ chạy theo, và vì thế đan sĩ khó nghe lời Thiên Chúa, nếu không nói là lờ đi trước lời của Thiên Chúa. Cho nên điều cần thiết là đan sĩ phải quay trở lại với nội vi đan viện, với cô tịch nếu đan sĩ muốn lắng nghe tiếng Thiên Chúa. Cũng vì lý do đó mà thánh Biển Đức coi trọng đời sống cộng đoàn và sự thinh lặng (x.QL chương 6 và 42). Ơn gọi của người đan sĩ là ngồi đó trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Thiên Chúa. Chắc chắn một đan sĩ sống bên ngoài nhiều quá thì khó có thể nghe được tiếng nói của Ngài. Lối sống bên ngoài không phù hợp với đan sĩ, không phù hợp với việc lắng nghe tiếng Thiên Chúa. Chính vì thế mà thánh Biển Đức không cho phép một  đan sĩ đi ngoài về kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe bên ngoài, bởi lẽ theo ngài, làm như thế sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho đời sống đan sĩ, cho việc lắng nghe Lời Chúa: “Đừng ai tự tiện thuật lại cho người khác bất cứ điều gì mắt thấy tai nghe ở ngoài đan viện, vì đó là điều tai hại khủng khiếp” (QL 67) Đan viện là khung cảnh, là môi trường, để đan sĩ lắng nghe tiếng Thiên Chúa và không ai được phép làm cho môi trường đó “ô nhiễm”
Đan sĩ nghe và đón nhận lời Chúa cho mình, cho cộng đoàn, nhưng đồng thời cũng cho anh chị em của mình bên ngoài. Nếu chúng ta coi đan sĩ như là người thay thế cho anh em mình trong việc cầu nguyện thì cũng có thể nói đan sĩ là người thay thế cho anh chị em mình trong việc lắng nghe Lời Thiên Chúa. Làm thế không có nghĩa là vì ta hơn họ, nhưng trong sự liên đới ta có nhiệm vụ thay thế cho anh chị em mình. Nếu anh chị em của chúng ta không có thì giờ để lắng nghe Lời của Thiên Chúa thì người đan sĩ có nhiệm vụ thay thế họ. Và ngay cả những người không muốn nghe Lời Thiên Chúa ta cũng phải thay thế cho họ. Nếu các dòng khác dùng miệng để rao giảng Lời Chúa, dùng tay để thực thi Lời Chúa, … thì có thể nói đan sĩ dùng đôi tai để lắng nghe Lời Chúa cho mình và cho anh em của mình. Nếu mỗi người cố gắng lắng nghe và đón nhận Lời Thiên Chúa thì chắc chắn chính mình, cộng đoàn và thế giới được đổi mới nhờ Lời của Ngài.
Có một ghi nhận : Ngày nay có vẻ như con người không đói khát Lời Chúa. Người ta không đói khát Lời Chúa vì người ta no nê đủ thứ. Người đan sĩ trước tiên là người đói khát Lời Chúa và không ngừng tìm kiếm Lời Ngài. Lời khấn khó nghèo giúp đan sĩ trở nên con người đói và khát Lời của Thiên Chúa. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4). Nếu đan sĩ no nê những thứ ở đời, thì sẽ không còn cảm thấy đói Lời của Ngài, Lời mang lại sự sống.
2.    Đan sĩ sống với  Đức Kitô, Lời sống động  của Thiên Chúa
Lời của thiên Chúa không chỉ đến với giáo hội cách đây 2000 năm, nhưng lời đó đang hiện diện một cách liên tục trong Giáo hội một cách sống động. Lời đó chính là Đức Kitô, Ngài đang đến từng giây từng phút, và ta có nhiệm vụ đón tiếp Ngài. Tông huấn nói : “Tương quan giữa Đức Kitô, Lời của Chúa Cha, và Giáo Hội không thể được hiểu đơn thuần như một biến cố thuộc quá khứ, nhưng là một tương quan sống động mà mỗi tín hữu được kêu mời chính mình đi vào. Quả thế, chúng ta đang nói đến sự hiện diện của Lời Thiên Chúa với chúng ta hôm nay: "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" ( TH số 51)
Lời của Thiên Chúa sống động trong Đức Kitô đang đến với chúng ta. Chúa Ki tô đến với chúng ta và nói chuyện một cách thường hằng với Chúng ta. Mỗi lần chúng ta ý thức và đón nhận Ngài là chúng ta đón nhận Lời của Thiên Chúa đang sống động với chúng ta. Chính vì thế thánh Biển Đức bảo môn đệ là “tuyệt đối không lấy gì hơn Chúa Kitô” (QL ch.72) Chúa Ki tô, Lời của Thiên Chúa, ở trong viện phụ, ở trong anh em, ở trong khách khứa. Ngài bảo các đan sĩ vâng phục bề trên, vì bề trên thay mặt Chúa Kitô (x QL ch.2), hay nói đúng hơn là thấy Chúa kitô trong bề trên, và khi vâng phục bề trên là vâng phục Lời của Thiên Chúa trong Bề trên, là mở lòng ra đón nhận chính Lời của Thiên Chúa, Lời đó có sức biến đổi chúng ta. Khi ta khấn vâng phục là ta vui mừng dâng hiến con người của chúng ta cho Chúa Kitô, hay nói cách khác, ta vui mừng mở lòng ra cho Lời của Thiên Chúa. Chính Lời đó sẽ đi theo ta suốt cuộc đời. Bên cạnh đó Lời của Thiên Chúa cũng đến với chúng ta qua những anh em, chính vì thế thánh Biển Đức bảo là “Chúa  thường tỏ cho kẻ ít tuổi những ý kiến hay hơn” (QL ch.3) Như thế lắng nghe Lời của Thiên Chúa không chỉ là bổn phận của bề dưới mà còn của cả bề trên
Tuy nhiên mỗi đan sĩ cũng cần hết sức cẩn trọng vì ngày nay đan sĩ có nguy cơ cho nhiều thứ vào trong tâm hồn mình, chính vì thế Lời Chúa khó đi vào lòng mình, mà biểu hiện của nó là không muốn nghe Lời Chúa, khó nhận ra Lời của Chúa trong bề trên hoặc nơi anh em, không muốn vâng phục và không biết lắng nghe anh em.
Ở chỗ khác Thánh Biể Đức bảo : “Mọi khách đến đan viện phải được đón tiếp như Chúa Kitô” (QL ch. 53). Mỗi lần đón khách là chúng ta mở lòng ra đón lấy chính Lời của Thiên Chúa đến với chúng ta. Chính vì thế mà Thánh Biển Đức rất quan tâm đến chuyện tiếp khách, từ việc đón khách niềm nở đến việc rửa chân cho khách, dẫn khách đi nhà nguyện…. Tất cả những đều ấy nói lên rằng khách chính là Chúa Kitô, là Lời sống động của Thiên Chúa đến với chúng ta mà chúng ta không được đánh mất cơ hội đón nhận Lời của Thiên Chúa.
Khi chúng ta chấp nhận mở lòng ra để đón nhận Lời là chúng ta muốn sống theo sự đòi hỏi của Lời. Còn nếu chúng ta không muốn đón nhận Lời là chúng ta không muốn hoán cải. Đan sĩ có lời khấn hoán cải. Chúng ta chỉ hoán cải thực sự khi chúng ta để cho Lời đi vào trong chúng ta. Chính Lời vĩnh cửu đó sẽ biến đổi chúng ta cách liên tục suốt cả đời để chúng ta trở nên tạo vật mới trong Lời.

II.  SỐNG  LỜI THIÊN CHÚA TRONG PHỤNG VỤ

1.    Đan sĩ sống Lời Thiên Chúa qua phụng vụ thánh
Tông Huấn số 52 nói: “Khi xét đến Giáo Hội như "nơi cư ngụ của Lời", người ta phải chú ý trước hết đến phụng vụ thánh. Đó đích thực là môi trường đặc trưng để Thiên Chúa nói trong đời sống hiện tại của chúng ta, là nơi hôm nay Thiên Chúa đang nói với Dân của Ngài, đoàn Dân đang lắng nghe và đáp trả. Tự bản chất, mỗi một hành động phụng vụ đều được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh…. Hơn thế nữa, người ta còn phải nói rằng chính Đức Kitô "hiện diện trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội…. Sự dàn trải của Lời Thiên Chúa trong thời gian được thể hiện một cách đặc biệt trong việc cử hành Thánh Thể và trong Phụng Vụ các Giờ Kinh”
Thiên Chúa đang nói với con người. Lời của Ngài đến với con người qua nhiều cách, cách đặc biệt nhất là Phụng vụ. Phụng vụ trong Giáo Hội không mang tính chất cá nhân, nhưng mang tính tập thể. Khi cử hành phụng vụ, toàn thể Giáo Hội cùng cử hành. Vì thế khi cử hành Lời Chúa, mỗi người, cách riêng người đan sĩ, ý thức rằng mình đang làm cùng với Giáo Hội. Khi cử hành các nghi thức phụng vụ, người đan sĩ biết rằng mình cùng với giáo hội đón nhận Lời Chúa sống động trong Đức Kitô. Chính vì thế mà người đan sĩ phải cử hành các nghi thức phụng vụ cho xứng đáng với ý thức rằng Lời Chúa đang đến và sẽ biến đổi người đan sĩ, đồng thời sẽ làm cho Giáo Hội có sức sống.
2.    Đan sĩ sống Lời Chúa qua việc cử hành các Bì tích, đặc biệt là Bí tích thánh thể
Tông huấn nói : “ Chắc chắn phụng vụ Lời Chúa là một yếu tố quyết định trong việc cử hành các Bí tích của Giáo Hội…. khi cử hành các Bí tích, các linh mục và phó tế phải nêu bật sự duy nhất giữa Lời và Bí tích trong thừa tác vụ của Giáo Hội” (số 53) Nhưng một cách đặc biệt Tông huấn muốn nhấn mạnh tương quan giữa Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể. Thật vậy Tông Huấn nói: “Lời Tựa của Tin mừng Gioan được đào sâu thêm trong diễn từ tại Caphácnaum: nếu ở đó Logos của Thiên Chúa trở thành xác thể, ở đây xác thể này trở thành "bánh" để cho thế gian được sống (x. Ga 6,51), điều này ám chỉ đến việc Đức Giêsu ban chính mình trong mầu nhiệm thập giá, một hành vi được xác nhận bởi các lời liên quan đến máu Người đổ ra "làm thức uống" (x. Ga 6,53). Theo cách thức này, trong mầu nhiệm Thánh Thể, được tỏ hiện đâu là man-na đích thực, bánh đích thực từ trời xuống: chính là Logos của Thiên Chúa đã trở thành xác thể, và đã hiến dâng chính mình cho chúng ta trong Mầu nhiệm Vượt Qua.” (số 54)
Đỉnh cao của phụng vụ chính là Thánh Thể. Lời của Thiên Chúa đến với con người và trở thành của ăn nuôi sống con người. Như thế Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể cũng chính là Chúa Kitô trong Lời của Ngài, trong Logos. Đan sĩ được mời gọi sống bí tích Thánh Thể mỗi ngày, qua đó họ đón nhận chính Lời của Thiên Chúa, Lời đem lại sự sống trong Chúa Kitô. Chúng ta phải công nhận là chúng ta chưa sống đúng với Lời Chúa đã và đang đến với chúng ta mỗi ngày qua Thánh Lễ. Và mặt khác chúng ta cũng thường tách Lời Chúa ra khỏi Mình Thánh. Chính vì thế Tông Huấn mời gọi chúng ta cần để ý đến Lời Chúa hơn và đào sâu tương quan giữa Lời và Thánh Thể. Cũng chính vì thế mà Tông Huấn cũng nhắc nhở chúng ta cần quan tâm đến việc công bố Lời Chúa.
Tất cả những ai công bố Lời Chúa cần phải được đào tạo về lời Chúa, về phụng vụ. Những thừa tác viên phải công bố và giảng dạy cho xứng đáng. Tông huấn nói: “Việc huấn luyện về phụng vụ phải cung cấp cho độc viên khả năng hiểu được ý nghĩa và cấu trúc của phần phụng vụ Lời Chúa và nhận ra được những liên hệ giữa phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.” (số 58)
Thánh Biển Đức nói : “Đọc sách hay hát xướng không cần theo thứ tự, nhưng tùy theo ai có khả năng làm ích cho người nghe” (Ql ch.38) Vào thời thánh Biển Đức, Ngài đã quan tâm đến chuyện đọc sách, chắc chắn bởi vì ngài cho việc đọc sách như là chuyển tải Lời của Thiên Chúa đến với anh em mình. Và như thế đọc Sách Thánh cách bừa bải, không ý thức,  không chuẩn bị chu đáo là thiếu tôn trọng với Lời sự sống đang đến với mình, nếu không nói là khinh thường Lời đó. Thiết tưởng trong mỗi đan viện các đan sĩ cần nhìn lại để có một thái độ đúng đắn trước Lời của Thiên Chúa. Đan sĩ phải học hỏi và  cử hành phụng vụ Lời Chúa làm sao để khi đến đan viện người ta cảm nhận ra tầm quan trọng của Lời Chúa, cảm nhận quả thực đó là Lời của Thiên Chúa, là Logos đang cư ngụ giữa chúng ta.
3.    Đan sĩ sống Lời Chúa qua Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Lời Thiên Chúa được cử hành trong các giờ kinh phụng vụ của Giáo Hội. Tông Huấn nói : “Trong các hình thức cầu nguyện biết tôn vinh Kinh Thánh, chắc chắn có Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định rằng Các Giờ Kinh Phụng Vụ là "một hình thức ưu tiên lắng nghe Lời Thiên Chúa, bởi vì Các Giờ Kinh Phụng Vụ giúp tín hữu tiếp xúc với Kinh Thánh và Truyền Thống sống động của Giáo Hội…Trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, lời cầu nguyện công khai của Giáo Hội, ta thấy được lý tưởng người Kitô hữu là thánh hoá trọn ngày sống, được phân nhịp bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và cầu nguyện các Thánh vịnh, nên mọi sinh hoạt đều được quy chiếu vào việc ca ngợi dâng lên Thiên Chúa"(số 62)
Thánh Biển Đức cũng dùng tới 12 chương (từ ch. 8 đến ch.19) để nói về việc cử hành Thần Vụ. Thánh Biển Đức muốn con cái của mình không lấy gì quan trọng cho bằng việc Chúa. Chính vì thế Ngài có lý khi ra hình phạt cho những ai bê trể, cử hành không xứng đáng, hoặc đi trể. Việc đền tội cách này hay cách khác không nhằm đến tội của anh em nhưng Ngài thực sự muốn con cái mình dành thì giờ, sức lực, tâm trí cho việc sống cho Thiên Chúa, cho Chúa Kitô là Lời của Thiên Chúa.
Ngài đòi buộc các đan sĩ một tuần phải đọc hết 150 thánh vịnh. Nếu không đọc hết như thế ngài cho là ươn lười. Ngày nay người ta viện nhiều lý do để rút bớt thánh vịnh, phải đọc 2 hoặc 4 tuần mới xong. Tùy mỗi nhà và mỗi Hội Dòng, chúng ta có thể uyển chuyển sao cho phù hợp. Tuy nhiên, nếu không vì một lý do chính đáng, nếu chúng ta viện lẽ để cắt bớt thánh vịnh, thì chúng ta có lỗi với đặc sủng của mình, một đặc sủng chuyên lo cầu nguyện. Không chu toàn cho xứng đáng với đặc sủng của mình, chúng ta sẽ đánh mất vai trò của mình trong lòng Giáo Hội, không chu toàn trách nhiệm mà Chúa, qua Giáo Hội, giao phó cho chúng ta. Các Hội Dòng hoạt động có thể có lý mà cắt bớt, còn chúng ta không thể viện bất cứ lý do nào để thoái thác nhiệm vụ quan trọng này.
Người ta có thể viện lẽ thà đọc ít mà có chất lượng hơn là đọc nhiều mà không có chất lượng. Điều này cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì chưa chắc đọc ít mà sốt sáng hơn đọc nhiều. Điều quan trọng là người ta có còn lòng mến hay không?  Bởi vì nếu không còn lòng mến, không tha thiết với việc Chúa thì mọi sự sẽ trở nên nặng nề. Còn nếu chúng ta có lòng mến thì tất cả trở nên nhẹ nhàng.
Chính trong thần vụ mà đan sĩ sống với Lời Chúa, dùng Lời Chúa để nói với Ngài, ca tụng Ngài. Chính trong Thần vụ người đan sĩ cùng với toàn thể Giáo Hội lắng nghe Lời Ngài, đón nhận Lời Ngài để cho Lời Ngài biến đổi ngay trong các giờ kinh phụng vụ. Trong các giờ thần vụ đan sĩ sẽ để cho Lời Chúa thấm nhập mình, từ đó đan sĩ sẽ cầu nguyện với Lời mà đan sĩ đón lấy. Có thể nói không có giờ kinh nào lại chứa đựng Lời Chúa nhiều cho bằng Kinh Thần Vụ. Phụng vụ các giờ kinh hầu hết trích từ Kinh Thánh. Điều đó cho thấy Kinh Thần Vụ không phát xuất từ con người mà là từ Thiên Chúa, từ Lời của Ngài. Đó là ân huệ Thiên Chúa tặng ban cho con người : “Người (Đức Kitô) là ‘vị tượng tế đã thiết lập Tân Ước vĩnh cửu và khi mặc xác phàm nhân đã đem vào chốn lưu đầy trần gian bài ca hằng được muôn đời hát trên thiên quốc.’” (Văn kiện Trình Bày và Quy Định CGKPV, số 3). Giáo Hội đón nhận ân huệ đó với tất cả lòng biết ơn và yêu mến. Vì thế Giáo Hội, cách riêng đan sĩ, có nhiệm vụ trung thành với Thần Vụ. Nếu đan sĩ không sống xứng đáng với ân huệ đó, đan sĩ trở thành con người vô ơn.
Hơn nữa trong Thần vụ, người đan sĩ sẽ sống với Chúa Kitô là Lời của Thiên Chúa. Văn kiện trình bày và quy định CGKPV nói : “Chính Đức Kitô  hiện diện trong Các giờ Kinh Phụng Vụ, khi cộng đoàn họp nhau lại, khi tuyên xưng Lời Chúa” (số 13). Ai yêu mến Thần Vụ sẽ yêu mến Chúa Kitô, ai yêu mến Chúa Kitô sẽ yêu mến Thần Vụ. Ai muốn đón nhận Lời Thiên Chúa sẽ thi hành Thần Vụ cách tích cực. Và việc đọc Thần Vụ không chỉ vào những giờ đã quy định, nhưng nó còn được kéo dài ra trong cuộc sống. Cả cuộc đời đan sĩ hướng về Thần Vụ, nhờ đó đan sĩ có thể đón nhận Lời Thiên Chúa cách liên tục được.
Mặt khác khi đọc Thần Vụ, đan sĩ không chỉ đón lấy Lời cho mình, mà trong tình liền đới còn đón nhận cho anh chị em mình, để Lời Chúa thánh hóa mình và anh em của mình, đem lại sức sống cho mình và cho anh chị em.  Nếu đan sĩ được coi người là người thay thế cho anh em mình thì khi đọc kinh Thần Vụ đan sĩ đọc thay cho anh em mình. Nếu chúng ta không làm đến nơi đến chốn ta có lỗi với anh chị em của chúng ta.  
4.    Đan sĩ sống Lời Chúa qua sự thinh lặng
Tông Huấn nói: “Ngày nay, cần phải giáo dục Dân Thiên Chúa về giá trị của sự thinh lặng. Tái khám phá tính cách trung tâm của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội có nghĩa là tái khám phá ý nghĩa của sự tĩnh lặng và sự bình an nội tâm. Truyền thống cổ kính của các Giáo Phụ dạy chúng ta rằng các Mầu nhiệm của Chúa Kitô đều có liên hệ với sự thinh lặng; chỉ nhờ thinh lặng, Lời mới đến cư ngụ trong chúng ta, như nơi Đức Maria, vừa là người phụ nữ của Lời vừa là người phụ nữ của thinh lặng…. Các nền phụng vụ của chúng ta phải tạo sự dễ dàng cho việc lắng nghe chân chính này: Verbo crescente, verba deficiunt ( Để Lời Thiên Chúa được lớn lên, thì các lời nói của con người phải ít đi)”…. Khi được tiên liệu, sự thinh lặng phải được coi là "một thành phần của cuộc cử hành". Chính vì thế, tôi khuyến khích các Mục tử cổ võ các giây phút tĩnh lặng, nhờ thế, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Lời Thiên Chúa được đón nhận vào trong lòng” (Số 66)
Tất cả các đan viện đều hiểu giá trị của sự thinh lặng.  Thánh Biển Đức đã dùng cả chương thứ 6 để bàn đến chuyện thinh lặng. Thinh lặng ở đây không phải để thinh lặng, nhưng để đan sĩ lắng nghe Lời của Thiên Chúa và sống với lời đó. Việc giữ thinh lặng trong ngày của đan sĩ chuẩn bị cho thinh lặng trong các giờ phụng vụ. Ở đây Tông Huấn muốn nhấn mạnh và mời gọi chúng ta chú ý hơn tới sự thinh lặng, nhất là thinh lặng trong phụng vụ. Phải coi thinh lặng như là “một thành phần của phụng vụ”.  Như vậy đan sĩ phải sống, cử hành sự thinh lặng ngay trong việc cử hành phụng vụ. Cần có khoảng không gian thinh lặng sau khi cử hành Lời Chúa, để Lời Sự Sống có thể thấm vào trong chúng ta. Nhưng làm sao có được sự thinh lặng nội tâm để có thể nghe và đón nhận lời Chúa nếu như trong cuộc sống có biết bao nhiêu tiếng ồn ào, biết bao nhiêu điều trần thế đi vào trong tâm của mình. Có thinh lặng bên ngoài và cũng có thinh lặng bên trong. Cả hai bổ túc cho nhau. Để có sự thinh lặng thật, qua đó chúng ta có khả năng đón nhận Lời Thiên Chúa trong các buổi cử hành Lời Chúa, đan sĩ phải yêu mến, tìm kiếm và sống sự thinh lặng ngay trong cuộc sống.
Cũng như bao nhiêu con người khác, đan sĩ có nguy cơ đánh mất sự thinh lặng nội tâm. Chính vì thế, Tông Huấn mời gọi chúng ta “tái khám phá ý nghĩa của sự tĩnh lặng và sự bình an nội tâm” . Thinh lặng nội tâm hết sức cần thiết cho việc đón nhận Lời của Thiên Chúa. Đánh mất sự thinh lặng là phá tan môi trường không thể thiếu cho việc đón nhận Lời Thiên Chúa. Cần phải được học hỏi, tái khám phá và sống sự thinh lặng.
5.    Đan sĩ sống Lời Chúa bằng việc hát Thánh ca phụng vụ cảm hứng từ Kinh Thánh
Tông Huấn nói : “Phải quan tâm đến bài ca dành cho những lúc được tiên liệu theo từng nghi thức, dành ưu tiên cho các bài ca rõ ràng rút cảm hứng từ Kinh Thánh và diễn tả vẻ đẹp của Lời Chúa, bằng sự hoà hợp giữa nhạc và lời… Tôi nghĩ cách riêng tới tầm quan trọng của bình ca Grêgôriô” (số 70)
Ngày nay có nhiều bài thánh ca, nhưng không phải tất cả lấy cảm hứng từ Thánh Kinh. Có lẽ các đan sĩ nên đào sâu Lời Chúa, để rồi có những anh em sáng tác nhạc cảm hứng từ Thánh Kinh. Nếu người bên ngoài không làm được, thì đan sĩ cố gắng làm chuyện này, để chớ gì toàn bộ phụng vụ diễn tả Lời Thiên Chúa, và nhờ đó Lời Thiên Chúa dễ thấm nhập vào lòng đan sĩ hơn. Chúng ta cũng phải thú nhận là đôi khi chúng ta sử dụng những bài thánh ca  không có cảm hứng tí nào từ Kinh Thánh. Nói như thế chúng ta không có ý chê bai, nhưng chỉ muốn đề cao tầm quan trọng của Lời Chúa. Tông Huấn cũng muốn đề cao nhạc bình ca mà chúng ta cũng đang cố gắng đưa vào phụng vụ đan tu. Ai cũng công nhận rằng bình ca là nhạc truyền thống của Giáo Hội. Nó giúp chúng ta cầu nguyện cách dễ dàng, nâng tâm hồn chúng ta lên với Chúa. Ước gì bình ca được duy trì, phát triển mãi trong phụng vụ đan tu.

III.         SỐNG LỜI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Ngoài việc đón nhận Lời Thiên Chúa qua phụng vụ, Tông Huấn muốn các tín hữu, trong đó có các đan sĩ, sống Lời Chúa trong cuộc sống của mình, qua những lần hội họp, qua việc thi hành thừa tác viên, qua việc sống theo ơn gọi của mình, nhưng nhất là qua việc gặp gỡ Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh, và cầu nguyện với việc đọc Lectio Divina, cầu nguyện với Mẹ Maria. Ở đây xin bàn đến ba điểm quan trọng sau cùng, đó là :
1.    Sống Lời Chúa qua đời sống thánh hiến
Tông Huấn nói: “Về Đời sống thánh hiến, Thượng Hội Đồng đã nhắc lại trước tiên rằng đời sống này "phát sinh từ việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng như quy luật sống". Sống theo Chúa Kitô, khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, đó là một "'chú giải' sống động về Lời Thiên Chúa"(số 83).
Bất kỳ ơn gọi nào cũng xuất phát từ tiếng gọi của Thiên Chúa, tuy nhiên ơn gọi đan tu là ơn gọi riêng biệt cho một số người. Thiên Chúa đã gọi con người bằng chính Lời của Ngài. Khi đan sĩ sống theo các lời khấn là đan sĩ muốn sống theo Lời của Thiên Chúa, muốn để cho Lời của Ngài mang lại sự sống, niềm hạnh phúc cho chính mình. Khi người đan sĩ không còn muốn sống theo các lời khấn của mình, đan sĩ sẽ đánh mất chính Lời Hằng sống luôn muốn trao ban cho chúng ta, đan sĩ sẽ coi những thứ trần thế quý hơn chính Lời của Thiên Chúa.  Ước chi trong cuộc đời của mình, đan sĩ để cho Lời Chúa hướng dẫn, và đáp lại bằng cách trung thành với Lời của Ngài qua việc tuân giữ các lời khuyên phúc âm.
2.    Sống Lời Chúa qua việc đọc "Lectio divina"
Trong tuyền thống đan tu có một hình thức sống Lời Chúa, đó là đọc Lectio Divina. Qua Lectio Divina, người đan sĩ mở mắt ra để nhìn Lời Thiên Chúa, mở miệng ra đọc Lời của Ngài, mở tai ra để nghe Lời của Ngài, mở lòng ra để đón nhận Lời của Ngài, và sau cùng mở tay ra để  chia sẻ, sống cho anh chị em, cụ thể là anh chị em trong cộng đoàn. Như thế đọc lectio divina là đọc với toàn bộ con người, với toàn bộ cuộc sống và với toàn bộ sứ mạng của mình. Lectio Divina sẽ dẫn người đan sĩ đi vào trong tương quan với Thiên Chúa, trong cầu nguyện và trong tương quan với anh em. Tông Huấn lấy lại lời của thánh Augustinô khi nói: "Lời cầu nguyện của bạn chính là lời bạn thưa với Thiên Chúa. Khi bạn đọc Sách Thánh, thì chính Thiên Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện, thì chính bạn nói với Thiên Chúa” (số 86)
 Đọc Lectio Divina không những mang tính chất cá nhân, nhưng nó còn mang tính cộng đoàn: “Lời Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta chính là để xây dựng sự hiệp thông, để nối kết chúng ta lại trong chân lý trong khi chúng ta tiến về với Thiên Chúa. Đây là một Lời ngỏ riêng tư với từng người, nhưng cũng là một Lời có sức xây dựng cộng đoàn, xây dựng Giáo Hội.Vì thế khi đọc Lectio Divina đan sĩ phải ý thức mình đọc trong và cùng với Giáo Hội” (số 87).
Vì vậy người đan sĩ khi đọc Lectio Divina không đọc một mình mà đọc cùng với Giáo Hội, với cộng đoàn. Khi đó người đan sĩ cùng cầu nguyện với cộng đoàn, với Giáo Hội. Đã hẳn ta có thể đọc một mình, nhưng khi ấy người đan sĩ phải ý thức rằng mình hiệp thông với anh em, với Giáo Hội. Nhưng thật là tốt đẹp nếu các cộng đoàn tổ chức, sắp xếp giờ giấc trong ngày sao cho có thể đọc Lectio Divina với nhau, bởi vì nhờ đó mà chúng ta cùng hiệp thông với nhau nhờ Lời, với Lời và trong Lời.
Tông Huấn cũng chỉ ra cách thức đọc Lectio divina như thế nào để có thể dẫn chúng ta vào đời sống cầu nguyện : “Lectio Divina mở ra bằng việc đọc (lectio) bản văn, việc này dẫn ta vào một câu hỏi liên quan đến việc hiểu biết trung thực nội dung của bản văn: tự nó, bản văn Kinh Thánh muốn nói gì? Nếu không có chặng này, bản văn rất có thể chỉ trở thành một duyên cớ để không bao giờ phải ra khỏi các tư tưởng của chúng ta. Sau đó, là suy niệm (meditatio), với câu hỏi: bản văn Kinh Thánh muốn nói gì với chúng ta?... Rồi người ta đi tới phần cầu nguyện (oratio) với câu hỏi: Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại Lời Người? Việc cầu nguyện như là khẩn xin, chuyển cầu, tạ ơn và ngợi khen, là phương cách đầu tiên mà Lời Chúa dùng để biến đổi chúng ta. Cuối cùng, Lectio divina kết thúc bằng sự chiêm ngưỡng (contemplatio), khi đó, ta đón nhận chính cái nhìn của Ngài để phán đoán thực tại như một hồng ân của Thiên Chúa, và chúng ta tự hỏi: Đức Chúa yêu cầu chúng ta phải hoán cải tinh thần, con tim và đời sống như thế nào?” (số 87)
Như thế khi đọc Lectio Divina người đan sĩ để cho Lời của Chúa chất vấn mình, quẩn bách mình,  từ đó Lời Chúa sẽ đẩy ta đi đến lời cầu nguyện và hoán cải cuộc đời. Lectio Divina đích thực không những giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn Lời Chúa trong các giờ phụng vụ, các buổi cử hành bí tích, nhưng còn giúp chúng ta sống đời sống cầu nguyện trong cuộc sống, biến đổi cuộc đời chúng ta, mang lại sự sống cho chúng ta, bởi lẽ, như Thánh Biển Đức nói, “trong Cựu ước và Tân ước, có trang nào, lời nào đến từ chính Thiên Chúa mà lại không phải là quy luật vững chắc mang lại sự sống cho con người” (QL ch.72). Đan sĩ muốn sống đời cầu nguyện chiêm niệm không thể nào không yêu mến Lectio Divina.
3.    Sống Lời Chúa với Mẹ Maria
Trong Tông Huấn, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khuyến khích các tín hữu siêng năng lần hạt Mân Côi. Ngài Nói: “Một phương thế rất hữu ích là đọc riêng hay đọc chung Kinh Mân Côi, khi đó ta cùng với Đức Mẹ nhắc lại các Mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô, mà Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã muốn làm phong phú thêm bằng các Mầu nhiệm sự sáng” (số 88)
Kinh Mân Côi không nằm trong truyền thống đan tu, nhưng lại rất được ưa chuộng , bởi vì nó được khuyến khích bởi Giáo Hội, và cũng bởi vì kinh này dẫn chúng ta vào việc suy ngắm Lời Chúa cùng với Mẹ Maria. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khuyên: “Việc nên làm là khi công bố từng Mầu nhiệm, ta nên kèm theo một đoạn Sách Thánh ngắn liên quan tới Mầu nhiệm ấy, để khuyến khích việc học thuộc lòng một số đoạn Kinh Thánh ngắn liên quan tới các Mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô” (số 88) Phần lớn các đan viện có các giờ lần hạt chung với nhau. Theo lời khuyến khích của Đức Thánh Cha, chúng ta có nên xen vào những mầu nhiệm đó những câu Kinh Thánh ngắn gọn, để suy niệm và học thuộc lòng Lời Chúa?
Bên cạnh đó, Tông Huấn cũng khuyến khích chúng ta duy trì kinh truyền tin vì “đây là một kinh vừa đơn giản vừa sâu sắc, giúp ta "hằng ngày tưởng niệm Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể". (số 88)
Vì thế Tông Huấn mời gọi: “Các gia đình cũng như các cộng đoàn sống đời thánh hiến rất nên trung thành với lời kinh kính Đức Mẹ này, mà Truyền thống mời gọi chúng ta đọc vào lúc mặt trời mọc, vào giữa ngọ và vào lúc mặt trời lặn. Vì trong kinh Truyền Tin, chúng ta xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Maria, ban cho chúng ta biết noi gương ngài, thực thi ý muốn của Thiên Chúa và biết đón tiếp Lời Thiên Chúa vào trong chúng ta. Cách thực hành này có thể giúp chúng ta củng cố một tình yêu chân thật đối với Mầu nhiệm Nhập Thể.”  (số 88)
Khi đọc kinh Truyền Tin chúng ta cùng với Mẹ Maria đón nhận Lời trở nên xác thể và cư ngụ giữa chúng ta, sống với Lời Ngài trong ngày, và để cho Lời Ngài hướng dẫn chúng ta, vì chính  Lời Ngài có sức biến đổi cuộc đời chúng ta,  ban cho ta sức mạnh và mang lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Hầu hết các cộng đoàn đan tu đều duy trì kinh tốt đẹp này. Nên chăng đọc kinh này vào ba buổi :sáng, trưa, chiều ?

TẠM KẾT
Lời Chúa có một tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống của các đan viện. Giáo Hội đã không ngừng ca ngợi đời sống chiêm ngưỡng, nơi đó Lời Chúa được nuôi dưỡng. Để kết luận, không chi bằng xin trích ra đây lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: “Tôi muốn nhắc lại rằng Truyền thống đan tu cổ kính đã luôn luôn coi việc suy niệm Kinh Thánh như một yếu tố cấu thành linh đạo đặc thù của mình, đặc biệt dưới hình thức Lectio divina. Ngày nay cũng vậy, những thực tại cổ xưa hay hiện đại của đời sống thánh hiến chuyên biệt đều được gọi để trở thành những trường học đích thực về đời sống thiêng liêng, tại các nơi đó, người ta đọc Kinh Thánh theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội, ngõ hầu toàn thể Dân Thiên Chúa được hưởng nhờ. Vì thế Thượng Hội Đồng nhắc nhở các cộng đoàn đời sống thánh hiến, không bao giờ được thiếu một nền huấn luyện vững chắc về việc đọc Kinh Thánh với niềm tin.” (Số 83)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét