Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

TU LUẬT THÁNH BIỂN ĐỨC


                                  
  TU LUẬT THÁNH BIỂN ĐỨC



LỜI MỞ ĐẦU

Ngày 1.1 – 2.5 – 1.9
1 Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được, 2 để nhờ gắng công vâng phục, con trở về với đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân. 3 Vậy cha nói với con đây, dù con là ai, mà đã đoạn tuyệt với ý riêng, mang lấy khí giới rất mạnh mẽ và rạng ngời của đức vâng phục, để chiến đấu cho Chúa Kitô, Vua chân thật.
4 Trước tiên, khi khởi công làm việc lành nào, con hãy tha thiết khẩn cầu, xin ngài giúp con thành tựu, 5 hầu đấng đã đoái nhận ta vào số con cái, sẽ không bao giờ phải buồn phiền vì những hành vi bất chính của ta. 6 Bởi thế, trong mọi lúc ta phải dùng các ơn lành Chúa ban mà vâng phục Ngài, để một ngày kia Ngài không như người cha nổi giận truất quyền thừa tự của con cái, 7 hay như ông chủ đáng sợ nổi lôi đình vì những hành vi bất chính của ta, rồi đẩy ta như đầy tớ xấu xa vào chốn cực hình muốn kiếp, vì đã không muốn theo Ngài vào chốn vinh quang.
Ngày 2.1 – 3.5 – 2.9
 8 Vậy ta hãy chỗi dậy theo lời Thánh Kinh giục bảo: “Đã đến giờ ta phải tỉnh giấc”. 9 Và một khi đã mở mắt nhìn ánh quang thần hoá, ta hãy lắng nghe tiếng Chúa ngày ngày văng vẳng bên tai: 10 “Hôm nay nếu các con nghe tiếng Chúa, các con đừng cứng lòng” 11 Lại rằng: “Ai có tai để nghe, hãy lắng nghe điều Thần Khí nói với các Giáo Hội”.  12 Và Ngài nói gì? “Hỡi các con hãy đến mà nghe, Ta sẽ dạy cho biết kính sợ Chúa”. 13 “Hãy chạy khi còn ánh sáng sự sống, kẻo bóng tối sự chết chộp lấy các con”.
Ngày 3.1 – 4.5 – 3.9
 14 Đang khi tìm giữa đám đông người thợ mà Ngài muốn gọi, Chúa tiếp: 15 “Ai là người muốn sống và ước ao thấy những ngày hạnh phúc”. 16 Khi nghe lời ấy, nếu con thưa : “Dạ, con đây”;  Chúa sẽ phán: 17 “Nếu con muốn hưởng sự sống đích thực và vĩnh cứu, thì lưỡi con chớ nói điều xấu xa và môi con chớ thốt lời gian dối; con hãy làm lành lánh dữ, hãy tìm kiếm và theo đuổi sự bình an”. 18 Khi các con đã thực thi những điều ấy, thì mắt Ta hằng theo dõi các con, tai Ta hằng lắng nghe các con khấn nguyện, và ngay khi các con chưa kịp kêu cầu thì Ta đã bảo: “Có Cha đây”. 19 Anh em rất thân mến, còn gì ngọt ngào hơn lời Chúa mời gọi ta như thế? 20 Này đây, với tất cả lòng ưu ái, Chúa đã chỉ cho ta con đường dẫn tới sự sống.
Ngày 4.1 – 5.5 – 4.9
 2l Vậy, thắt lưng bằng đức tin và sự thực thi các việc lành, rồi dưới sự hướng dẫn của Phúc Âm, ta hãy tiến bước theo đường của Chúa, để đáng được xem thấy đấng đã gọi ta vào vương quốc của Ngài. 22 Nếu ta muốn cư ngụ trong vương quốc của Ngài mà không chạy mau trên đường hành thiện, thì không tài nào tới được. 23 Cùng với vị ngôn sứ ta hãy thưa Chúa: “Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong cung điện Chúa và ai sẽ được nghỉ ngơi trên núi thánh Ngài?”
 24 Thưa anh em, thỉnh vấn xong, ta hãy lắng nghe Chúa trả lời và bày tỏ cho ta con đường dẫn tới cung điện: 25 “Đó là kẻ bước vào mà lòng trong sạch và biết thực thi sự công chính, 26 đó là kẻ nói sự thật phát xuất tự lòng mình và không ăn gian nói dối, 27 không làm hại và cũng không nhục mạ người lân cận”. 28 Đó là kẻ biết đẩy lui tà thần cùng mọi âm mưu quyến rũ của nó ra khỏi lòng mình mà tiêu diệt đi, và chộp ngay các tà ý vừa nảy sinh mà đập tan vào Chúa Kitô. 29 Đó là kẻ kính sợ Thiên Chúa, không kiêu căng vì đã giữ luật cách trọn hảo, trái lại chân nhận rằng những gì tốt lành nơi mình không do tự sức mình nhưng do ơn Chúa. 30 Họ chúc tụng Chúa, đấng hoạt động nơi mình, và cùng tuyên xưng với vị ngôn sứ: “Không phải cho chúng con, lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng cho danh Chúa được vinh hiển”.

Ngày 5.1 – 6.5 – 5.9
 3l Hay như thánh Phaolô Tông đồ đã không coi thành quả việc loan giảng là do sức mình, khi ngài nói: “Tôi được thế nào là nhờ ơn Chúa”. 32 Ngài còn thêm: “Ai tự hào hãy tự hào trong Chúa”. 33 Bởi đó Chúa đã phán trong Phúc Âm: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá; 34 dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá”.
35 Nói thế rồi, hằng ngày Chúa chờ ta lấy việc làm đáp lại giáo huấn thánh thiện của Người. 36 Vì thế nếu Chúa còn gia hạn cho ta sống thêm ngày nào, là để ta sửa chữa lỗi lầm, 37 như lời thánh Tông đồ: “Bạn không biết rằng lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa thúc giục bạn hối cải đó sao?”. 38 Vì Chúa nhân từ phán: “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó hoán cải và được sống”.
Ngày 6.1 – 7.5 – 6.9
 39 Thưa anh em, khi  hỏi Chúa về kẻ được ở trong cung điện Người, ta đã nghe huấn lệnh Người đặt ra.  Và ta sẽ chỉ được thừa hưởng nước trời nếu ta chu toàn bổn phận. 40 Thế nên ta hãy chuẩn bị tâm hồn và thể xác để chiến đấu mà tuân phục các giới răn. 4l Còn điều gì tính tự nhiên lấy làm khó, ta hãy cầu xin Chúa ban ơn giúp sức. 42 Nếu ta muốn tránh khỏi hình khổ hoả ngục và đạt tới sự sống đời đời, 43 thì bao lâu còn thời gian sống trong thân xác và còn lợi dụng được ánh sáng đời này để chu toàn những điều vừa nghe, 44 ta phải chạy mau và thi hành ngay những gì mưu ích đời đời cho ta.
Ngày 7.1 – 8.5 – 7.9
 45 Chính vì mục đích ấy cha phải thiết lập trường học phụng sự Chúa, 46 trong đó cha hy vọng chẳng ấn định điều gì khắt khe, nặng nề. 47 Nhưng nếu theo lẽ phải mà quy định điều gì hơi nghiêm ngặt hầu giúp sửa chữa  nết xấu và bảo toàn đức ái48 thì con chớ vội hoảng sợ mà trốn xa con đường cứu độ, vì vạn sự khởi đầu nan. 49 Nhưng một khi đã tiến bộ trong đời tu và đức tin, một khi lòng phấn khởi và nếm được sự ngọt ngào khôn tả của tình yêu, ta sẽ chạy trên đường giới răn Chúa, 50đến nỗi không bao giờ ta lìa xa giáo huấn Người, trái lại ta kiên trì trong giáo lý của Người nơi đan viện cho đến chết, kiên nhẫn chia sẻ các đau khổ của Chúa Kitô để đáng được dự phần trong nước Người. Amen.
Chương 1
CÁC LOẠI ĐAN SĨ

Ngày 8.1 – 9.5 – 8.9
 l  Đã rõ có bốn loại đan sĩ. 2 Loại thứ nhất là các đan sĩ cộng tu, đó là những người sống trong đan viện, chiến đấu theo một tu luật và dưới quyền viện phụ.
3 Thứ đến là loại đan sĩ biệt tu hay ẩn tu. Họ không phải hạng người sống theo lòng sốt sắng ban đầu, nhưng đã được thử thách lâu dài trong đan viện. 4 Nhờ sự nâng đỡ của nhiều người, họ đã học biết cách chiến đâu với ma quỷ. 5 Họ đã được huấn luyện nghiêm túc trong hàng ngũ anh em, rồi mới xuất thân chiến đấu một mình trong sa mạc. Từ đây họ đã đủ mạnh, không cần đến người khác hỗ trợ nữa, nhờ ơn Chúa giúp, họ tự sức mình vững vàng chiến đấu tay đôi với tính mê xác thịt và những tư tưởng xấu.
Ngày 9.1 – 10.5 – 9.9
6 Loại thứ ba thật đáng ghét, đó là các đan sĩ tự tu. Họ không được một tu luật nào là bậc thầy kinh nghiệm tôi luyện như vàng được tinh luyện trong lò, nên tính nết vẫn còn ủy mị như chì; 7 qua cách sống, họ chứng tỏ còn mê theo thói đời. Hiển nhiên là họ lấy việc cắt tỏc đi tu mà dối Chúa. 8 Họ sống từng hai, từng ba, hoặc một mình, không có chủ chăn. Họ không thuộc đàn chiên Chúa, nhưng sống một đàn riêng. Lề luật của họ là thỏa mãn các dục vọng! 9 Hễ điều gì họ nghĩ hoặc ưa thích thì họ cho là thánh thiện. Còn điều gì không vừa ý, họ cho là không nên.
10 Còn loại thứ tư gọi là đan sĩ du tu, suốt đời họ lang thang từ miền này sang xứ nọ, trọ mỗi nhà ba bốn hôm, 11 nay đây mai đó, không khi nào chịu ở yên một chỗ. Họ quả là nô lệ ý riêng và ham mê ăn uống. Xét mọi mặt họ còn tệ hơn cả loại đan sĩ tự tu.
12 Về nếp sống tồi tệ của các loại đan sĩ này thà im đi còn hơn là nói đến. 13 Vậy bỏ qua các loại đó, nhờ ơn Chúa giúp ta hãy tổ chức đan sĩ cộng tu, là loại rất anh dũng.
Chương 2
VIỆN PHỤ PHẢI THẾ NÀO

Ngày 10.1 – 11.5 – 10.9
 l Viện phụ, người được coi là xứng đáng lãnh đạo đan viện, phải luôn luôn nhớ đến danh hiệu bề trên của mình và hành động sao cho xứng với danh hiệu ấy. 2 Quả thực, người ta tin tưởng ngài thế vị Chúa Kitô trong đan viện, nên gọi ngài bằng chính danh xưng dành cho Chúa, 3 theo lời thánh Tông đồ : “Anh em đã nhận lấy Thần Khí nghĩa tử, nhờ  đó ta kêu lên Abba, Cha ơi”. 4 Viện phụ không được dậy dỗ, thiết định hay truyền khiến điều gì ngoài huấn lệnh Chúa; 5 trái lại lệnh truyền và giáo lý của ngài phải như men công chính của Chúa gieo vào tâm trí môn đệ. 6 Viện phụ phải luôn luôn tâm niệm rằng giáo lý ngài dạy và sự vâng phục của môn đệ là hai điều ngài sẽ chịu tra vấn trong ngày công phán kinh khủng của Thiên Chúa. 7 Viện phụ phải ý thức rằng điều gì gia chủ thấy kém lợi nơi đoàn chiên thì sẽ quy trách cho chủ chăn. 8 Trái lại, khi đã tận lực săn sóc đoàn chiên ngỗ nghịch và cứng cổ hay đã dùng mọi phương dược cứu chữa bịnh tật chúng, 9 lúc đó chủ chăn mới hết trách nhiệm trước toà Chúa. Ngài có thể cùng ngôn sứ tuyên xưng : “Đức công chính của Chúa, con chẳng giấu nơi đáy lòng con, chân lý và ơn cứu hộ của Chúa con đã nói lên. Nhưng chúng cứ coi thường và khinh miệt con ”. 10 Kết cục, khi ấy án tử hình sẽ giáng xuống trên bầy chiên bất phục trước sự săn sóc của chủ chăn.
          
Ngày 11.1 – 12.5 – 11.9
 11 Thế nên, ai đã nhận danh hiệu viện phụ, phải biết hướng dẫn môn đệ bằng hai hình thức giáo hoá: 12 nghĩa là lấy việc làm hơn là lời nói mà chỉ cho họ tất cả những gì lành thánh. Vậy, với những môn đệ có khả năng nhận thức, ngài dùng lời nói mà giảng dạy lề luật Chúa; còn với những môn đệ cứng lòng hoặc chất phác, ngài hãy lấy việc làm mà bày tỏ huấn lệnh Chúa. 13Tất cả những gì ngài dạy cho môn đệ biết là trái, ngài hãy lấy việc làm mà chỉ cho họ là không được làm, kẻo giảng cho người mà chính ngài lại bị luận phạt, 14 sợ rằng có ngày Thiên Chúa sẽ khiển trách ngài như một tội nhân : “Giới luật của Ta, sao ngươi hằng nhắc nhở, miệng ngươi công bố lời giao ước của Ta, nhưng chính ngươi lại chán ghét điều sửa dạy, lời Ta truyền đem vứt bỏ sau lưng”? 15 Lại rằng: “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt người anh em, còn cái xà trong mắt ngươi thì lại không thấy?”
Ngày 12.1 – 13.5 – 12.9
 16 Trong đan viện, viện phụ đừng thiên vị ai. 17 Đừng thương người này hơn người nọ, trừ khi nhận thấy kẻ ấy trội hơn về các việc lành và sự vâng phục. 18 Không được ưu đãi người tự do hơn người xuất thân từ giai cấp nô lệ, trừ khi có lý do chính đáng. 19 Nhưng nếu vì lẽ công bằng mà viện phụ xét là cần phân biệt như thế thì ngài cứ làm, bất kể người được ưu đãi thuộc giai cấp nào; ngoài ra, ai nấy cứ giữ thứ vị của mình. 20 Vì dù nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta là một trong Chúa Kitô, cùng chiến đấu để phụng sự một Chúa, vì Thiên Chúa không thiên vị ai. 21 Mà nếu   Chúa có phân biệt, thì chỉ t ùy theo sự  hơn kém về việc lành và lòng khiêm tốn. 22 Vì thế, viện phụ phải thương yêu mọi người như nhau, áp dụng một quy tắc chung cho mọi người, tùy theo công trạng của họ.

Ngày 13.1 – 14.5 – 13.9
 23 Trong việc giáo huấn, viện phụ phải luôn luôn theo mẫu mực thánh Tông đồ đề ra: “Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ ”.24 Nghĩa là phải tùy cơ ứng biến: dung hoà lời dịu dàng với giọng răn đe, khi tỏ vẻ như thầy nghiêm nghị, lúc lại âu yếm như cha hiền. 25 Nghĩa là với những người vô kỷ luật và quấy rồi, ngài phải nặng lời khiển trách; còn với những kẻ vâng phục, nhu mì, nhẫn nhục, ngài hãy khuyến khích họ tiến tới; còn những kẻ ươn lười ngạo mạn, cha khuyên ngài hãy quở phạt, sửa chữa.
26 Ngài chớ bao che tội lỗi của phạm nhân, nhưng vừa khi thấy chớm mọc, ngài phải hết sức tiêu diệt tận căn. Ngài hãy nhớ tới thảm họa xẩy đến cho tư tế Hêli tại Silô. 27 Với những ai tế nhị và thông minh, ngài chỉ cần nhắc nhở một hai lần là đủ. 28Nhưng với những kẻ xấu nết, ngoan cố, kiêu căng, bất phục, ngài hãy dùng roi vọt mà trừng trị, hoặc những hình phạt thể xác mà trấn át ngay lúc tật xấu vừa phát sinh, vì có lời chép: “Người ngu không thể lấy lời nói mà sửa dạy được”. 29 Lại rằng: “Hãy dùng roi mà sửa phạt con cái ngươi, để cứu linh hồn nó khỏi chết”.

Ngày 14.1 – 15.5 – 14.9
 30 Viện phụ hãy luôn nhớ mình là ai, mang danh hiệu gì. Ngài phải biết rằng kẻ được ủy thác nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều. 31 Ngài hãy nhận thức rằng ngài đã lãnh nhận một nhiệm vụ khó khăn và cam go biết bao, tức là việc hướng dẫn các linh hồn và phục vụ bá tính. Quả thế, phải dịu dàng với người này, khiển trách người nọ, thuyết phục người kia. 32 Ngài phải tùy theo tính tình và sự hiểu biết của họ mà thích ứng sao cho phù hợp với mọi người, để không những khỏi phải buồn vì đoàn chiên được ủy thác bị thiệt thòi, mà còn vui mừng vì đoàn chiên lành tăng số.
Ngày 15.1 – 16.5 – 15.9
 33 Trước hết, ngài đừng sao lãng hoặc coi nhẹ phần rỗi các linh hồn Chúa ủy thác mà quá bận tâm đến của cải thế tục mau qua chóng tàn. 34 Nhưng ngài phải xác tín ngài đã nhận việc hướng dẫn các linh hồn, thì tất nhiên phải trả lẽ về các linh hồn ấy. 35 Để khỏi vịn cớ tài chính eo hẹp, ngài hãy nhớ lời Thánh Kinh: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho”. 36 Và có lời: “Kẻ kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi”.
37 Ngài nên biết rằng ai đã nhận hướng dẫn các linh hồn thì phải sẵn sàng trả lẽ. 38 Số anh em thuộc quyền ngài săn sóc, dù là bao nhiêu, ngài hãy nhận thức chắc chắn rằng đến ngày công phán ngài sẽ phải trả lẽ với Chúa về các linh hồn ấy và dĩ nhiên cả linh hồn mình nữa. 39 Vì trong khi ngài sợ Chúa sẽ tra vấn chủ chăn về các con chiên đã được ủy thác, trong khi lo trả lẽ về người khác thì ngài cũng biết lo cho chính mình. 40 Và trong khi khuyên người khác tu sửa, thì chính ngài cũng tự sửa mình.

Chương 3
VIỆC HỘI Ý ANH EM


Ngày 16.1 – 17.5 – 16.9
 l Trong đan viện mỗi khi có việc quan trọng cần giải quyết, viện phụ sẽ triệu tập toàn thể cộng đoàn và tuyên bố lý do. 2 Sau khi lắng nghe ý kiến anh em, chính ngài sẽ tự cân nhắc, rồi thực hiện điều ngài xét là ích lợi hơn. 3 Sở dĩ cha bảo phải hội ý mọi người, vì Chúa thường tỏ cho kẻ ít tuổi những ý kiến hay hơn. 4 Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục, chứ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình. 5 Việc quyết định thuộc quyền viện phụ. Điều ngài xét là hay hơn, thì mọi người phải vâng theo. 6 Nhưng nếu môn đệ có bổn phận vâng lời thì thầy có nghĩa vụ sắp đặt mọi việc cho sáng suốt và công bình.

Ngày 17.1 – 18.5 – 17.9
 7 Vậy, trong mọi trường hợp, tất cả phải theo tu luật là thầy, chớ ai dám sai lệch. 8 Trong đan viện không ai được theo ước muốn của lòng mình. 9 Cũng đừng ai táo bạo tranh cãi với viện phụ một cách xấc xược, dù ngoài đan viện cũng vậy. 10 Nếu ai cố phạm, hãy chiếu tu luật mà trừng phạt. 11 Tuy nhiên, chính viện phụ phải thi hành mọi sự với lòng kính sợ Chúa, và tôn trọng tu luật. Ngài hãy biết không chút nghi ngờ rằng ngài sẽ phải trả lẽ cùng Thiên Chúa, Ðấng Thẩm Phán chí công về mọi quyết định của mình. 12 Còn những việc ít quan trọng, nhưng hữu ích cho đan viện, ngài chỉ cần tham khảo ý kiến các vị lão thành, 13 như có lời chép: “Làm gì con cũng nên bàn hỏi, để xong việc, con sẽ khỏi hối hận”.
Chương 4
NHỮNG KHÍ CỤ LÀM VIỆC LÀNH


Ngày 18.1 – 19.5 – 18.9
 l Trước tiên, kính mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực. 2 Thứ đến, thương yêu người lân cận như chính mình. 3 Không giết người. 4 Không ngoại tình. 5 Không trộm cắp. 6 Không tham lam. 7 Không làm chứng gian. 8 Tôn trọng mọi người. 9 Không làm cho người khác điều ta không muốn họ làm cho ta. 10 Bỏ mình để theo Chúa Kitô. 11 Sửa trị thân xác. 12 Không ham mê khoái lạc. 13 Yêu thích chay tịnh. 14 Nâng đỡ người nghèo. 15 Mặc cho người không áo. 16 Thăm viếng bệnh nhân. 17 Chôn cất kẻ chết. 18 Cứu giúp kẻ hoạn nạn. 19 An ủi người sầu khổ. 20 Xa lánh việc đời. 21 Không yêu mến gì hơn Chúa Kitô.
Ngày 19.1 – 20.5 – 19.9
 22 Không thỏa cơn giận. 23 Không tích lòng thù oán. 24 Không thủ mưu gian. 25 Không chúc bình an giả dối. 26 Không bỏ mất lòng bác ái. 27 Không thề kẻo bội thề. 28 Nói thật ngoài miệng như có trong lòng  . 29 Không lấy ác báo ác. 30 Không lăng nhục ai. Còn điều người ta lăng nhục mình thì kiên nhẫn chịu dựng. 31 Yêu thương địch thù. 32 Không nguyền rủa kẻ nguyền rủa ta, nhưng chúc lành cho họ thì hơn. 33 Vui chịu bách hại vì công lý. 34 Không kiêu căng. 35 Không rượu chè. 36Không mê ăn. 37 Không mê ngủ. 38 Không biếng nhác. 39 Không kêu ca lẩm bẩm. 40 Không gièm pha. 41 Hy vọng nơi Thiên Chúa. 42 Thấy gì tốt nơi mình, thì quy về Chúa, chứ không gán cho mình. 43 Còn điều gì xấu, thì luôn nhìn nhận là do mình làm và quy trách cho mình.
Ngày 20.1 – 21.5 – 20.9
 44 Sợ ngày phán xét. 45 Kinh khiếp hoả ngục. 46 Hết lòng khao khát sự sống vĩnh cửu. 47 Ngày ngày đinh ninh mình sẽ chết.48 Canh chừng hành động của mình trong từng giây phút. 49  Xác tín Chúa nhìn ta mọi nơi. 50  Đập tan ngay vào Chúa Kitô những tà ý phát khởi trong lòng, rồi bộc lộ với vị linh hướng. 51 Canh giữ miệng khỏi lời xấu xa hay ác độc. 52 Không ham nói nhiều. 53 Không nói chuyện phù phiếm diễu cợt. 54 Không ham cười nhiều hoặc cười ầm ĩ. 55 Thích nghe đọc sách thánh. 56Siêng năng cầu nguyện. 57 Hằng ngày, trong giờ cầu nguyện,  khóc lóc than van, xưng thú cùng Chúa mọi lỗi lầm quá khứ. 58Rồi sửa chữa những lỗi lầm ấy. 59 Không thỏa mãn những ham muốn xác thịt. 60 Gớm ghét ý riêng. 61 Vâng lời viện phụ trong mọi điều, cho dù ngài có ngôn hành bất nhất - mong đừng có như vậy - lúc ấy hãy nhớ lệnh Chúa truyền: “Điều họ nói, các con hãy làm; điều họ làm, các con chớ theo”. 62 Không muốn người ta gọi mình là thánh khi chưa thật sự thánh; nhưng phải thánh trước đã để lời người ta nói được xác thực.

Ngày 21.1 – 22.5 – 21.9
 63 Hằng ngày lấy việc làm mà chu toàn huấn lệnh Chúa. 64 Yêu thích khiết tịnh. 65 Không ghét ai. 66 Không ghen tương, 67không phân bì. 68 Không ưa tranh tụng. 69 Tránh tự kiêu. 70 Kính trọng người già, 71 yêu thương người trẻ. 72 Vì lòng mến Chúa Kitô, cầu nguyện cho kẻ thù nghịch. 73 Làm hoà với người bất thuận trước khi mặt trời lặn. 74 Và không bao giờ thất vọng về lòng thương xót Chúa.
75 Đó là những dụng cụ trong nghệ thuật thiêng liêng. 76 Nếu ngày đêm ta không ngừng đem ra sử dụng, và đến ngày chung thẩm ta hoàn lại cho Chúa, thì Chúa sẽ ban cho ta phần thưởng chính Người đã hứa: 77 “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người”. 78 Còn cơ xưởng nơi ta cần mẫn sử dụng các dụng cụ ấy, chính là nội vi đan viện và việc bền đỗ trong cộng đoàn.

Chương 5
ĐỨC VÂNG PHỤC

Ngày 22.1 – 23.5 – 22.9
1 Vâng phục không chậm trễ là bước đầu của đức khiêm tốn. 2 Đó là nhân đức của những người không quý chuộng gì hơn Chúa Kitô. 3 Vì nghĩa vụ thánh mà họ đã khấn hứa, hay vì sợ hoả ngục hoặc mong ước sự sống muôn đời, 4 nên lệnh trên vừa ban ra, họ coi như từ Thiên Chúa, và thi hành tức khắc không chút do dự. 5 Chính vì thế mà Chúa đã phán: “Tai vừa nghe, chúng đã vâng lời Ta”. 6 Với những người giảng dạy, Chúa còn nói: “Ai nghe các con là nghe Thầy”. 7 Những người như thế họ bỏ ngay công việc cá nhân và từ khước ý riêng, 8 lập tức những gì đang cầm trong tay và công việc còn dang dở họ cũng bỏ để nhanh chân thi hành lệnh trên, 9 đến nỗi lệnh thầy truyền và việc môn đệ thi hành đều hoàn tất mau lẹ như cả hai cùng xong một trật, vì cả thầy lẫn môn đệ cùng có lòng kinh sợ Chúa.
10 Đó là những kẻ đang hăm hở tiến vào sự sống muôn đời. 11 Vì thế họ dành lấy con đường hẹp mà Chúa đã nói: “Đường dẫn đến sự sống là đường hẹp”. 12 Bởi lẽ họ không còn sống theo ý mình, hay chiều theo dục vọng và sở thích riêng, nhưng bước đi theo phán quyết và mệnh lệnh người khác. Sống trong đan viện, họ chỉ mong tùng phục viện phụ. 13 Những người như thế chắc chắn đã theo đúng lời Chúa nói: “Ta không đến để làm theo ý Ta, nhưng là theo ý Đấng đã sai Ta”.
            
Ngày 23.1 – 24.5 – 23.9
14 Nhưng đức vâng phục này chỉ được Chúa vui nhận và vừa lòng mọi người, khi lệnh truyền được thi hành mà không hấp tấp, không chậm trễ, không lãnh đạm, hoặc cằn nhằn phản đối. 15 Vì vâng lời bề trên là vâng lời Thiên Chúa. Bởi chính Người đã phán : “Ai nghe các con là nghe Thầy”. 16 Vậy môn đệ phải vâng lời với lất cả hảo tâm, vì “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương”. 17 Còn nếu môn đệ vâng lời miễn cưỡng và phàn nàn, không những ngoài miệng mà cả trong lòng,18 thì dù có làm đúng lệnh truyền vẫn không thể đẹp lòng Chúa, vì Người thấu suốt tận đáy lòng kẻ kêu trách. 19 Vâng lời như thế không được ơn ích gì, lại liều mình chuốc lấy hình phạt dành cho hạng người kêu trách, nếu không sửa mình và đền tội.
Chương 6
SỰ IM LẶNG
Ngày 24.1 – 25.5 – 24.9
 1 Ta hãy thi hành theo lời ngôn sứ : “Tôi đã nói mình phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm, nên miệng tôi quyết ngậm tăm, tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi, im lặng cả những điều hay điều tốt”. 2 Qua đó, vị ngôn sứ tỏ cho ta thấy, vì quí trọng sự im lặng, mà đôi khi phải làm thinh cả những lời lành; phương chi đối với những chuyện hư từ, càng phải tránh để khỏi bị phạt vì tội.
3 Vì sự im lặng quan trọng như thế, nên ngay cả những môn đệ trọn lành, cũng ít khi được phép nói những lời lành thánh và xây dựng, 4 vì có lời chép: “Nói nhiều không tránh khỏi tội”. 5 Và nơi khác: “Sống chết ở cả đầu lưỡi”. 6 Thực ra, nói năng dạy dỗ là việc của thầy, còn môn đệ thì im lặng mà nghe.
7 Bởi đó, nếu phải thưa trình bề trên việc gì, hãy trình bày với tất cả lòng khiêm tốn, kính cẩn và tùng phục. 8 Còn những chuyện bông đùa, những lời phù phiếm khôi hài, bất cứ ở đâu và lúc nào, cha đều lên án và cha không hề cho phép môn đệ mở miệng nói những lời như thế.
Chương 7
ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG
Ngày 25.1 – 26.5 – 25.9
 l Thưa anh em, Thánh Kinh kêu gọi ta : “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. 2 Nói thế, Thánh Kinh tỏ cho ta thấy mọi cách đưa mình lên đều là một thứ kiêu ngạo. 3 Đó là điều vị ngôn sứ tuyên bố tự đề phòng, khi nói: “Lòng con không dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi. Đường cao vọng chẳng đời nào bước. Việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu”. 4 Nếu con không tự khiêm, lại muốn tự cao tự đại, thì sẽ ra sao? Như đứa trẻ bị dứt ra khỏi dòng sữa mẹ, Thiên Chúa cũng sẽ xử với hồn con như thế.
Ngày 26.1 – 27.5 – 26.9
 5 Vì vậy, thưa anh em, nếu muốn đạt tới đỉnh của đức khiêm nhường trọn hảo và mau vươn tới cõi trời cao bằng cuộc sống khiêm tốn ở đời này, 6 ta hãy lấy việc làm dựng thành cái thang mà leo lên, như chiếc thang đã hiện ra cho ông Giacóp trong giấc mộng. Trên thang đó ông thấy các thiên thần lên lên xuống xuống. 7 Theo cha, lên xuống như thế chắc chắn phải hiểu: tự cao là đi xuống, tự hạ là đi lên.  Chiếc thang được dựng lên đó chính là đời tạm này. Nhờ lòng khiêm tốn, nó sẽ được Chúa nâng lên tận trời cao. 9 Hai đọc thang, theo cha hiểu chính là xác và hồn ta. Trên đó tiếng gọi thần linh đã sắp sẵn nhiều bậc khiêm nhường và kỷ luật để ta leo lên.                          
Ngày 27.1  - 28.5 – 27.9
10 Vậy bậc khiêm nhường thứ nhất là luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Chúa, chẳng bao giờ dám quên, 11 và hằng nhớ mọi điều Chúa truyền, không ngừng tâm niệm rằng những kẻ khinh thị Chúa sẽ bị phạt vì tội trong hoả ngục làm sao, còn kẻ kính sợ Chúa sẽ được phúc trường sinh Chúa sắm cho thế nào. 12 Trong mọi giây phút lo giữ mình khỏi tội lỗi và các nết hư do tư tưởng, miệng lưỡi, tay chân và ý riêng, cả đến những thèm muốn xác thịt. 13 Mỗi người hãy nhớ rằng từ trời cao Chúa luôn nhìn xem mình, và dù mình ở đâu, lúc nào và làm gì, Chúa đều nhìn thấy hết, lại có các thiên thần không ngừng tường trình lên Chúa. 14 Để chứng minh điều đó, vị ngôn sứ cho ta hay lúc nào Thiên Chúa cũng hiện diện trong tư tưởng ta. Ngài nói: “Chúa dò thấu lòng dạ ta”. 15 Lại rằng: “Chúa biết rõ tư tưởng con người”. 16 Ngôn sứ lại nói: “Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa”. 17 Và “Tư tưởng phàm nhân sẽ phơi bày trước mắt Chúa”. 18 Muốn giữ mình khỏi những tư tưởng xấu xa, đan sĩ chân tu luôn tâm niệm: “Chỉ khi nào giữ mình khỏi điều gian ác tôi mới được trong sạch trước nhan Ngài”.
Ngày 28.1 – 29.5 – 28.9
19 Còn về ý riêng, cha cấm không được chiều theo. Vì Thánh Kinh dạy rằng: “Ý riêng con, con hãy từ bỏ”. 20 Vả lại trong kinh Lạy Cha ta vẫn xin Chúa cho ý Ngài thực hiện nơi ta. 21 Vì thế, Thánh Kinh dạy ta đừng theo ý riêng là rất có lý, nếu ta lưu tâm đến lời Thánh Kinh: “Có những con đường người ta coi là ngay thẳng, mà cuối đường lại đưa xuống đáy hỏa ngục”. 22 Lại nhờ đó, ta tránh khỏi điều đã viết về những người chểnh mảng rằng: “Chúng đã ra đồi bại và ghê tởm trong ước muốn của chúng”. 23 Còn về những ham muốn xác thịt ta hãy xác tín rằng Chúa hằng ở trước mặt ta, như lời vị ngôn sứ đã thưa cùng Chúa: “Mọi ước muốn của con đều bày ra trước mắt Ngài”.
Ngày 29.1 – 30.5 – 29.9
 24 Thế nên ta phải cảnh giác những ước muốn xấu xa, vì cái chết rình chờ bên cửa lạc thú. 25 Bởi vậy, Thánh Kinh dạy rằng: “Con đừng chạy theo nhục dục”. 26 Vậy nếu con mắt Chúa hằng theo dõi người lành kẻ dữ 27 và từ trên cao, Chúa hằng quan sát con cái loài người xem có ai hiểu biết và tìm kiếm Chúa không, 28 nếu các thiên thần được ủy thác coi sóc ta ngày đêm tường trình lên Chúa mọi công việc ta làm, 29 thì, thưa anh em, mọi giờ phút ta phải cảnh giác, như vị ngôn sứ nói trong Thánh Vịnh, kẻo có lúc nào Chúa bắt gặp ta đang chiều theo sự dữ và trở thành vô dụng. 30 Giờ đây Chúa còn dung thứ vì Ngài nhân từ và chờ ta hoán cải nên tốt hơn, kẻo mai ngày Chúa sẽ bảo ta: “Ngươi sống như thế mà Ta đã làm thinh”.
Ngày 30.1 – 31.5 – 30.9
 3l Bậc khiêm nhường thứ hai là không yêu thích ý riêng, không tìm thỏa mãn ước muốn của mình, 32 nhưng mọi hành động đều theo Lời Chúa: “Ta không đến để làm theo ý Ta mà là ý Ðấng đã sai Ta”. 33 Thánh Kinh cũng nói rằng: “Lạc thú chuốc lấy hình phạt, phấn đấu tạo kết triều thiên”.
Ngày 31.1 – 1.6 – 1.10
 34 Bậc khiêm nhường thứ ba là vì yêu mến Chúa, ta hết lòng tùng phục người trên theo gương Chúa, như lời thánh Tông đồ nói về Người: “Người đã vâng phục cho đến chết”.
Ngày 1.2 – 2.6 – 2.10
35 Bậc khiêm nhường thứ tư là trong khi vâng phục ta có gặp những điều cam go trái ý và bất cứ sự sỉ nhục nào, vẫn âm thầm kiên tâm chịu đựng; 36 không nản lòng, không lùi bước. Thánh Kinh dạy rằng: “Ai bền chí  đến cùng sẽ được cứu độ”.37 Nơi khác: “Lòng con hãy kiên cường và trông cậy Chúa”.  38 Để chứng minh người trung tín phải vì Chúa mà chịu đựng mọi sự, ngay cả những nghịch cảnh, Thánh Kinh đã nhân danh người đau khổ nói lên: “Cũng chính vì Ngài mà suốt ngày chúng con bị giết, khác nào bầy chiên bị đem đi làm thịt”. 39 Rồi vững dạ vì hy vọng được Chúa ban thưởng, họ mừng rỡ tiếp lời: “Trong mọi tình huống đó chúng tôi thắng vượt hết, nhờ đấng đã yêu thương chúng tôi”. 40 Thánh Kinh còn nói nơi khác rằng: “Vâng, lạy Chúa, Ngài đã thử chúng con như luyện bạc trong lò, Ngài đã để chúng con rơi vào cạm bẫy, gánh nặng nề chồng chất trên vai”. 41 Và để dạy ta phải sống dưới quyền bề trên, Thánh Kinh nói tiếp: “Chúa đã đặt người ta trên đầu trên cổ chúng con”. 42 Nhưng trong những nghịch cảnh và nhục nhã, họ cứ nhẫn nại chu toàn huấn lệnh Chúa. Khi bị vả má này họ đưa luôn má kia. Khi bị giật áo ngoài họ cho cả áo trong nữa. Khi bị bắt đi một dặm, họ đi luôn hai dặm. 43 Cùng với thánh Tông đồ Phaolô, họ chịu đựng anh em giả hiệu, và chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình.
Ngày 2.2 – 3.6 – 3.10
44 Bậc khiêm nhường thứ năm là lấy lòng khiêm tốn mà thành thật tỏ bày cùng viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín. 45 Thánh Kinh khuyên nhủ ta về điều đó rằng: “Con hãy bộc lộ với Chúa đường lối con đi và trông cậy nơi ngài” .46 Lại rằng: “Con hãy xưng thú với Chúa vì ngài nhân lành, vì lượng từ bi Ngài tồn tại muôn đời”. 47 Và ngôn sứ cũng nói: “Bởi thế con đã xưng tội con ra với Ngài, con chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con, 48 con tự nhủ: nào ta đi thú tội cùng Chúa và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con”.
Ngày 3.2 – 4.6 – 4.10
49 Bậc khiêm nhường thứ sáu là đan sĩ bằng lòng với tất cả những gì hèn kém và tồi tệ nhất. Trong mọi công việc được giao, họ tự coi mình là một nhân công vụng về và bất xứng; 50 cùng với vị ngôn sứ, họ tự nhủ mình rằng: “Con quả đã ngu si chẳng hiểu, trước mặt Ngài như thú vật nào hơn, thật con ở với Chúa luôn”.
Ngày 4.2 – 5.6 – 5.10
5l Bậc khiêm nhường thứ bảy là không những xưng ra ngoài miệng rằng mình thấp kém hèn hạ mà từ thâm tâm cũng xác tín như thế; 52 rồi hạ mình nói như vị ngôn sứ: “Thân con là thân sâu bọ chứ đâu phải là người, con bị đời mắng chửi dể duôi”. 53Và: “Được nâng lên rồi bị hạ xuống cùng đầy nhục nhã”. 54 Lại rằng: “Chúa hạ con xuống là phúc cho con để con học biết thánh chỉ Ngài”.

Ngày 5.2 – 6.6 – 6.10
55 Bậc khiêm nhường thứ tám là đan sĩ không làm gì ngoài luật chung của đan viện và gương lành các vị cao niên.
Ngày 6.2 – 7.6 – 7.10
56 Bậc khiêm nhường thứ chín là đan sĩ giữ miệng không nói, giữ thói quen im lặng, có hỏi mới thưa. 57 Như lời Kinh Thánh: “Nói nhiều không tránh khỏi tội”. 58 Lại rằng: “Người lắm miệng không bước thẳng trên đời được”.
Ngày 7.2 – 8.6 – 8.10
59 Bậc khiêm nhường thứ mười là đan sĩ đừng dễ cười, cũng đừng vội cười, vì có lời chép: “Người ngu cả tiếng cười cợt”.
Ngày 8.2 – 9.6 – 9.10
60 Bậc khiêm nhường thứ mười một là khi nói đan sĩ nói nhỏ nhẹ và không cười cợt nhưng từ tốn trang nghiêm, ít lời mà hữu lý, không ầm ĩ to tiếng, 61 như đã chép: “Ít lời là dấu người khôn ”.
Ngày 9.2 – 10.6 – 10.10
62 Bậc khiêm nhường thứ mười hai là không những trong lòng mà cả phong cách bên ngoài đan sĩ đều tỏ lòng khiêm tốn trước mặt mọi người, 63 nghĩa là trong khi cử hành Thần vụ, nơi nhà nguyện, trong đan viện, ngoài vườn, trên đường đi, ở ngoài đồng hoặc bất cứ ngồi đâu, đi đâu, đứng đâu, chỗ nào đầu cũng cúi, mắt nhìn xuống đất, 64 bao giờ cũng đinh ninh mình là phạm nhân đầy tội lỗi, dường như bị điệu ra trước toà án kinh khủng, 65 lòng hằng thầm thĩ lời người thu thuế trong Phúc Âm, mắt nhìn xuống đất và thân thưa: “Lạy Chúa, con là kẻ có tội, chẳng đáng ngước mắt nhìn trời”.  66 Hay cùng với vị ngôn sứ: “Con uốn thân hạ mình luôn  mãi”.
67 Vậy, khi đã lên hết các bậc khiêm nhường ấy, chẳng mấy chốc đan sĩ sẽ đạt tới lòng mến Chúa. Và khi lòng mến đã hoàn hảo thì loại bỏ sợ hãi.  68 Nhờ lòng mến ấy tất cả những gì xưa kia giữ vì khiếp sợ, thì nay họ bắt đầu giữ không còn vất vả, nhưng đã trở nên tự nhiên thuần thục, 69 không vì sợ hỏa ngục nữa mà vì yêu mến Chúa Kitô và do tập quán tốt cũng như do lòng ham mộ các nhân đức lôi cuốn. 70 Ðó là điều Chúa khấng nhờ Thánh Linh làm tỏ hiện nơi người thợ của Ngài , là người đã sạch tội lỗi và thói hư.
Chương 8
GIỜ THẦN VỤ BAN ĐÊM

Ngày 10.2 – 11.6 – 11.10
1 Về mùa đông, nghĩa là từ đầu tháng mười một đến lễ Phục Sinh, đan sĩ thức dậy vào giờ thứ tám ban đêm. 2 Như vậy xét ra là hợp lý khi để anh em ngủ quá nửa đêm và thức ăn cũng tiêu hoá xong. 3 Thời gian còn lại sau Kinh Đêm, anh em ai cần sẽ dùng để học hỏi Thánh Kinh và các bài đọc.
4 Từ lễ Phục Sinh đến tháng mười một, phải liệu sao để sau giờ Kinh Đêm còn khoảng thời gian vắn cho anh em có thể đi việc cần, rồi bắt đầu giờ Kinh Sáng ngay lúc rạng đông.
Chương 9
PHẢI ĐỌC BAO NHIÊU THÁNH VỊNH
TRONG GIỜ KINH ÐÊM

Ngày 11.2 – 12.6 – 12.10
1 Về mùa đông, trước hết đọc ba lần câu “Lạy Chúa, xin mở miệng con, để con vang tiếng ngợi khen Ngài”. 2 Sau đó đọc Thánh Vịnh 3 với Vinh Danh, 3 rồi Thánh Vịnh 94 với tiền ca, hoặc ít nhất cũng phải hát . 4 Tiếp đến là Thánh thi, và sáu Thánh Vịnh với tiền ca. 5 Xong các Thánh Vịnh ấy và các câu xướng đáp, viện phụ ban phép lành. Mọi người ngồi xuống, anh em lần lượt đọc ba bài đọc để sẵn trên giá sách, sau mỗi bài đều có đáp ca. 6 Hai đáp ca đầu không có Vinh Danh, nhưng sau bài đọc thứ ba, ai hát sẽ xướng Vinh Danh; 7 người hát vừa cất tiếng mọi người đứng dậy ngay để tỏ lòng cung kính tôn thờ Chúa Ba Ngôi. 8 Sách đọc trong giờ Kinh Đêm là Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Cũng đọc những bài chú giải của các Giáo Phụ thời danh, chính thống và công giáo. 9 Sau ba bài đọc với đáp ca, hát thêm sáu Thánh Vịnh nữa với tiền ca alleluia. 10 Sau cùng đọc thuộc lòng một đoạn sách của thánh Tông Đồ, rồi xướng đáp, lời cầu. 11 Thế là xong giờ Kinh Đêm.

Chương 10
ĐỌC KINH ÐÊM
TRONG MÙA HẠ THẾ NÀO?

Ngày 12.2 – 13.6 – 13.10
1 Từ lễ Phục Sinh đến đầu tháng 11, giờ Kinh Đêm cũng đọc đủ số Thánh Vịnh như đã nói trên, 2 ngoại trừ các bài đọc, vì lẽ đêm ngắn; nhưng thay vào đó, chỉ đọc thuộc lòng một bài Cựu Ước, theo sau là đáp ca. 3 Phần còn lại vẫn giữ như trên, nghĩa là ngoài Thánh Vịnh 3 và 94, không bao giờ đọc dưới mười hai Thánh Vịnh.
Chương 11
PHẢI CỬ HÀNH KINH ĐÊM THẾ NÀO ?

Ngày 13.2 – 14.6 – 14.10    
1 Chúa nhật, ta đọc Kinh Đêm sớm hơn ngày thường. 2 Cách thức sắp đặt thế này: sau khi hát sáu Thánh Vịnh và xướng đáp như đã nói trên, mọi người cứ thứ tự và hàng lối mình ngồi xuống rồi đọc bốn bài đọc với đáp ca như đã nói, 3 chỉ sau đáp ca bốn mới có Vinh Danh; khi bắt đầu Vinh Danh, mọi người đứng dậy với lòng cung kính. 4 Sau bốn bài đọc ấy, lần lượt hát sáu Thánh Vịnh với tiền ca và xướng đáp như trên. 5 Kế đó lại đọc bốn bài đọc khác với đáp ca cũng theo thứ tự trên. 6 Rồi đọc thêm ba Thánh Ca các ngôn sứ tùy như viện phụ ấn định. 7 Sau ba Thánh Ca có alleluia, xướng đáp, và phép lành viện phụ, đọc bốn bài Tân Ước cũng theo thứ tự đã định. 8 Sau đáp ca bốn, viện phụ sẽ cất kinh Te Deum. 9 Hát xong, viện phụ đọc Phúc Âm; mọi người cung kính đứng nghe. 10 Sau Phúc Âm, anh em thưa Amen, rồi viện phụ cất tán tụng ca Te decet, và khi đã ban phép lành xong, liền bắt đầu giờ Kinh Sáng. 11 Thứ tự giờ Kinh Đêm Chúa nhật mùa hạ cũng như mùa đông đều như nhau. 12 Nhưng khi anh em dậy muộn - ước chi đừng có như thế -  thì phải rút bớt chút ít các bài đọc hay đáp ca. 13 Hãy cẩn thận đừng để xảy ra như thế. Nếu vì sơ xuất thì người nào chịu trách nhiệm về sự bê trễ đó phải làm việc đền tội cho cân xứng nơi nhà nguyện.
Chương 12
PHẢI CỬ HÀNH TRỌNG THỂ
KINH SÁNG THẾ NÀO ?

Ngày 14.2 – 15.6 – 15.10     
1 Giờ Kinh Sáng Chúa nhật, trước tiên đọc Thánh Vịnh 94 không có tiền ca. 2 Tiếp đến Thánh Vịnh 50 với alleluia; 3 rồi Thánh Vịnh 117 và 62; 4 sau đó là các Thánh Ca chúc tụng và các Thánh Vịnh tán tụng, rồi hát thuộc lòng một đoạn sách Khải Huyền với đáp ca, thánh thi Ambrosianô, xướng đáp, Thánh Ca Tin Mừng và lời cầu, thế là xong giờ Kinh Sáng.
Chương 13
PHẢI CỬ HÀNH KINH SÁNG
NGÀY THƯỜNG THẾ NÀO?

Ngày 15.2 – 16.6 – 16.10    
1 Các ngày thường đọc Kinh Sáng như sau: 2 Thánh Vịnh 66 không có tiền ca, đọc chầm chậm cho mọi người đến kịp đọc Thánh Vịnh 50 với tiền ca. 3 Sau đó là hai Thánh Vịnh khác như thường lệ nghĩa là 4 thứ hai đọc Thánh Vịnh 5 và 35; 5 thứ ba đọc Thánh Vịnh 42 và 56; 6 thứ tư đọc Thánh Vịnh 63 và 64; 7 thứ năm đọc Thánh Vịnh 87 và 89; 8 thứ sáu đọc Thánh Vịnh 75 và 91; 9 thứ bảy đọc Thánh Vịnh 142 và Thánh Ca trích trong sách Đệ nhị luật, chia làm hai đọc với kinh Vinh Danh. 10 Các ngày khác, mỗi ngày có Thánh Ca riêng lấy trong sách ngôn sứ như Giáo Hội Rôma quen đọc. 11 Tiếp đến là các Thánh Vịnh chúc tụng, đọc thuộc lòng một đoạn trong thư thánh Tông Đồ, đáp ca, thánh thi Ambrosianô, xướng đáp, Thánh Ca Tin Mừng, lời cầu, thế là xong giờ Kinh Sáng.  
Ngày 16.2 – 17.6 – 17.10   
12 Kinh sáng cũng như Kinh chiều, bao giờ cũng phải kết bằng “Kinh Lạy Cha” do viện phụ đọc cho mọi người nghe, bởi vì trong đan viện thường có những va chạm xảy ra, 13 để khi nhất trí trong lời nguyện: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha”, anh em cũng được thanh tấy các lầm lỗi của họ. 14 Còn trong các giờ kinh khác, chỉ đọc lên câu cuối cùng, để mọi người thưa: “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
Chương 14
PHẢI CỬ HÀNH KINH ĐÊM
LỄ KÍNH CÁC THÁNH THẾ NÀO ?

Ngày 17.2 – 18.6 – 18.10          
1 Kinh Đêm ngày lễ kính các thánh và các đại lễ khác sẽ cử hành như Chúa nhật; 2  ngoại trừ các Thánh Vịnh, tiền ca, các bài đọc riêng thuộc ngày đó, nhưng vẫn giữ thứ tự như trên.
Chương 15
PHẢI ĐỌC ALLELUIA KHI NÀO ?

Ngày 18.2 – 19.6 – 19.10    
 1 Từ lễ Phục Sinh đến lễ Hiện xuống, phải đọc Alleluia ở Thánh Vịnh cũng như trong đáp ca. 2 Từ lễ Hiện Xuống tới mùa chay, trong giờ Kinh Đêm , chỉ đọc Alleluia với sáu Thánh Vịnh sau. 3 Ngày Chúa nhật ngoài mùa chay, đọc Allelui với các Thánh Ca Kinh Đêm, và cũng đọc trong giờ Kinh Sáng, giờ I, giờ III, giờ VI, giờ IX. Còn Kinh Chiều thì đọc với tiền ca. 4 Các đáp ca không bao giờ có Alleluia ngoại trừ trong chu kỳ phục sinh.  
Chương 16
PHẢI CỬ HÀNH THẦN VỤ
BAN NGÀY THẾ NÀO?

Ngày 19.2 – 20.6 – 20.10    
1 Vị ngôn sứ đã nói: “Con ca tụng Chúa mỗi ngày bảy lượt”. 2 Ta sẽ có đủ con số 7 thánh đó, nếu ta chu toàn nghĩa vụ của mình trong giờ  Kinh Sáng, Kinh Giờ Nhất, Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín, Kinh Chiều và Kinh Tối; 3 vì khi nói  “mỗi ngày tôi ca tụng Chúa bảy lần” là thánh ngôn sứ nói về các giờ kinh ban ngày ấy. 4 Còn về Kinh Đêm, vị ngôn sứ nói : “Nửa đêm con thức dậy ca tụng Chúa”. 5 Vậy trong những giờ ấy nghĩa là các giờ Kinh Sáng, Kinh Giờ Nhất, Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín, Kinh Chiều và Kinh Tối, ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời ca tụng vì các phán quyết của ngài; và nửa đêm, ta cũng hãy thức dậy ca tụng ngài.
Chương 17
PHẢI ĐỌC BAO NHIÊU THÁNH VỊNH
TRONG CÁC GIỜ KINH BAN NGÀY?

Ngày 20.2 – 21.6 – 21.10  
1 Về giờ Kinh Đêm và Kinh Sáng, cha đã quy định thể thức hát xướng; nay ta hãy xét tới các giờ còn lại. 2 Giờ Nhất, đọc ba Thánh Vịnh, nhưng tách rời chứ không phải cùng một kinh Vinh Danh, 3 Thánh thi giờ này đọc sau xướng khúc : “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con” trước khi bắt đầu các Thánh Vịnh. 4 Hết ba Thánh Vịnh, đọc một đoạn sách với xướng đáp và lời cầu, rồi kết thúc giờ kinh. 5 Các Giờ Ba, Sáu, Chín cũng cử hành theo một thứ tự, nghĩa là câu xướng, Thánh Thi riêng mỗi giờ, ba Thánh Vịnh, một đoạn sách, xướng đáp, lời cầu, và kết thúc. 6 Nếu cộng đoàn đông thì hát với tiền ca, nếu không thì đọc cung bằng. 7 Kinh Chiều gồm bốn Thánh Vịnh với tiền ca. 8 Sau các Thánh Vịnh ấy là một đoạn sách, đáp ca, Thánh Thi Ambrosianô, xướng đáp, Thánh Ca Tin Mừng, lời cầu, và kết thúc với kinh Lạy Cha. 9 Kinh Tối chỉ đọc ba Thánh Vịnh, đọc theo cung bằng không có tiền ca. 10 Sau đó là bài Thánh Thi riêng của giờ ấy, một đoạn sách, xướng đáp, lời cầu và phép lành kết thúc.
Chương 18
ĐỌC CÁC THÁNH VỊNH
THEO THỨ TỰ NÀO ?

Ngày 21.2 – 22.6 – 22.10                    
1 Trước hết đọc câu xướng : “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ con”, rồi Vinh Danh và Thánh Thi của mỗi giờ. 2 Sau đó, trong Kinh Giờ Nhất Chúa nhật, đọc bốn đoạn của Thánh Vịnh 118. 3 Trong các giờ kinh khác, nghĩa là Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín, mỗi giờ đọc ba đoạn của Thánh Vịnh đó. 4 Giờ Nhất của ngày thứ  hai đọc ba Thánh Vịnh 1, 2, 6. 5 Như thế, Kinh Giờ Nhất mỗi ngày cho đến Chúa nhật cứ theo thứ tự đọc ba Thánh Vịnh cho tới Thánh Vịnh 19, nhưng Thánh Vịnh 9 và l7 thì chia làm hai Vinh Danh. 6 Như vậy, cứ đến Kinh Đêm Chúa nhật, bao giờ cũng bắt đầu bằng Thánh Vịnh 20.
Ngày 22.2 – 23.6 – 23.10            
7 Còn Kinh Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín ngày thứ hai, đọc chín đoạn còn lại của Thánh Vịnh 118, mỗi giờ 3 đoạn. 8 Vậy trong hai ngày tức là Chúa nhật và thứ hai, ta đọc hết Thánh Vịnh 118. 9 Ngày thứ ba, trong các Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín, mỗi giờ ba Thánh Vịnh, từ Thánh Vịnh 119 đến 127 nghĩa là chín Thánh Vịnh tất cả. 10 Các Thánh Vịnh này sẽ đọc lại trong các giờ đó cho tới Chúa nhật. Còn Thánh Thi, bài đọc, xướng đáp thì giữ như đã ấn định nhất mực cho mọi ngày. 11 Như thế, cứ Chúa nhật thì bất đầu lại từ Thánh Vịnh 118.
Ngày 23.2 – 24.6 – 24.10     
12 Kinh Chiều mỗi ngày hát bốn Thánh Vịnh, 13 bắt đầu từ Thánh Vịnh 109 đến Thánh Vịnh 147; 14 trừ những Thánh Vịnh dành riêng cho các giờ khác, tức là Thánh Vịnh 117 đến Thánh Vịnh 127 và 133, 142. 15 Các Thánh Vịnh còn lại đều đọc trong giờ Kinh Chiều. 16 Nhưng vì thiếu ba Thánh Vịnh mới đủ số, nên cha chia Thánh Vịnh nào dài nhất trong số đó ra, tức là Thánh Vịnh 138, 143, 144. 17 Còn Thánh Vịnh 116, vì ngắn nên đọc liền với Thánh Vịnh 115.18 Thứ tự Thánh Vịnh trong Kinh Chiều được ấn định như thế; phần còn lại như bài đọc, đáp ca, thánh thi, xướng đáp và Thánh Ca cứ giữ như đã nói trên. 19Giờ Kinh Tối ngày nào cũng đọc Thánh Vịnh  4, 90, 133.
Ngày 24.2 – 25.6 – 25.10        
20 Đó là thứ tự đọc Thánh Vịnh ban ngày. Các Thánh Vịnh còn lại sẽ chia đều cho các giờ Kinh Đêm trong tuần; 21 Thánh Vịnh nào dài thì chia ra, sao cho mỗi đêm đọc đủ mười hai Thánh Vịnh. 22 Tuy nhiên, cha lưu ý rằng nếu ai không thích cách phân phối Thánh Vịnh như thế, hãy xếp đặt cách nào họ cho là tốt hơn, 23 miễn sao phải đọc đủ 150 Thánh Vịnh mỗi tuần, và cứ giờ Kinh Đêm Chúa nhật lại khởi sự từ đầu. 24 Thực ra, nếu các đan sĩ trong suốt một tuần mà không đọc hết tập Thánh Vịnh, thì chứng tỏ họ chểnh mảng trong việc thờ phượng là chừng nào, 25 bởi vì khi đọc truyện các vị tiền bối, ta thấy các ngài đã hăng hái chu toàn nhiệm vụ đó trong một ngày, phần ta ươn lười biếng nhác, ít ra phải cố đọc hết trong một tuần.
Chương 19
CUNG CÁCH KHI HÁT THÁNH VỊNH

Ngày 25.2 – 26.6 – 26.10    
1 Ta tin Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và mắt ngài hằng nhìn xem người lành kẻ dữ . 2 Nhưng ta càng xác tín điều này hơn khi tham dự Thần vụ. 3 Vì thế, ta hãy nhớ lời ngôn sứ rằng : “Anh em hãy phụng thờ Chúa với lòng kính sợ”. 4 Lại rằng : “Hãy ca vịnh cho thật khéo”. 5 Và “Trước mặt các thiên thần, con ca vịnh Chúa”. 6 Vậy ta hãy xem mình phải có thái độ nào trước nhan Thiên Chúa và các thiên thần. 7 Ta hãy hát Thần vụ thế nào cho tâm trí hoà hợp với lời ca.
Chương 20
SỰ CUNG KÍNH KHI CẦU NGUYỆN

Ngày 26.2 – 27.6 – 27.10  
1 Khi muốn thỉnh cầu điều gì với người quyền thế, ta đã phải khiêm tốn lễ độ, 2 thì huống hồ với Thiên Chúa, Chủ Tể càn khôn, ta lại càng phải khẩn cầu cách rất mực khiêm cung, với lòng sốt sắng tinh tuyền. 3 Hãy ý thức rằng chẳng phải do nhiều lời nhưng chỉ cần một tâm hồn trong sạch, hoà với dòng lệ thống hối là được Chúa nhận lời. 4 Vì thế lời cầu nguyện phái ngắn gọn và tinh tuyền, trừ khi được ơn Chúa thúc đẩy mà kéo dài thêm. 5 Nhưng dù sao trong cộng đoàn, kinh nguyện phải rất vắn tắt, và khi bề trên vừa ra hiệu mọi người hãy cùng đứng lên.
Chương 21
CÁC TRƯỞNG NHÓM MƯỜI NGƯỜI
TRONG ÐAN VIỆN

Ngày 27.2 – 28.6 – 28.10  
1 Nếu cộng đoàn đông thì hãy chọn trong anh em những người có hạnh kiểm tốt và đời sống thánh thiện mà đặt làm trưởng nhóm mười người. 2 Họ sẽ săn sóc cho anh em nhóm mình trong mọi sự đúng luật Chúa và theo chỉ thị của viện phụ. 3 Hãy lựa chọn các trưởng nhóm làm sao để viện phụ có thể an tâm chia sẻ gánh nặng của ngài cho họ. 4 Đừng chọn theo thứ tự, nhưng theo công trạng đời sống và đạo lý khôn ngoan. 5 Nếu không may trong các trưởng nhóm có ai sinh kiêu căng đáng khiển trách, thì hãy cảnh cáo một hai lần, và đến lần thứ ba. Nếu không chịu sữa mình, thì bãi chức 6 và đặt người khác xưng đáng lên thay. 7 Và về viện phó, cha cũng quy định như thế.
Chương 22
CÁC ĐAN SĨ
PHẢI NGỦ NGHỈ THẾ NÀO?

Ngày 28.2 – 29.6 – 29.10  
1 Mỗi người ngủ riêng một giường, 2 chăn nệm tùy cảnh sống và như viện phụ ấn định. 3 Nếu có thể mọi người hãy ngủ chung một nơi, nhưng nếu không thể được vì đông quá, thì ngủ từng nhóm mười hay hai mươi người, có đàn anh coi sóc họ.4 Trong phòng ngủ, phải thắp đèn cho đến sáng. 5 Nằm ngủ phải ăn mặc chỉnh tề, thắt lưng dây da hay dây gai, chớ đeo dao bên mình, sợ rằng mê ngủ mà bị thương. 6 Các đan sĩ hãy luôn sẵn sàng để khi vừa nghe hiệu là dậy ngay và đua nhau nhanh chân đi cử hành Thần Vụ, tuy nhiên vẫn phải hết sức trang nghiêm và nết na. 7 Giường các anh em trẻ hơn, đừng đặt cạnh nhau, nhưng được xen kẽ với giường anh em cao niên. 8 Khi thức dậy đi đọc Thần Vụ, anh em hãy nhẹ nhàng đánh thức nhau, để người mê ngủ khỏi viện cớ chữa mình.
Chương 23
HÌNH PHẠT TUYỆT THÔNG
CHO CÁC LỖI

Ngày 29.2 – 30.6 – 30.10     
1 Nếu anh em nào tỏ ra bưởng bỉnh, bất tuân, kiêu căng, lẩm bẩm hoặc phản kháng một điều gì ngược tu luật, và coi thường lời chỉ giáo của các bậc niên trưởng, 2 hãy theo lời Chúa dạy, đàn anh kín đáo cảnh cáo một hai lần. 3 Nếu không sửa mình, hãy khiển trách công khai trước mặt mọi người. 4 Nếu thế cũng không tu chỉnh, sẽ bị tuyệt thông, miễn là họ có thể hiểu được sự nặng nề của hình phạt ấy. 5 Còn nếu là con người thiển trí, họ sẽ phải chịu một hình phạt thể xác.
Chương 24
MỨC ÐỘ TUYỆT THÔNG

 Ngày 1.3 – 1.7 – 31.10    
1 Mức độ tuyệt thông hay hình phạt tùy theo tính chất nặng nhẹ của lỗi phạm, 2 và tính chất nặng nhẹ ấy là tùy viện phụ xét định. 3 Anh em nào có lỗi nhẹ, thì sẽ không được dùng cơm chung với mọi người. 4Ai không được dùng cơm chung phải theo quy chế này: trong nhà nguyện không được xướng Thánh Vịnh và tiền ca, cũng không được đọc bài đọc, cho đến khi đền tội xong. 5 Giờ cơm, họ sẽ ăn một mình sau anh em, độ lượng và thì giờ tùy như viện phụ xét thế nào là thích hợp. 6 Chẳng hạn anh em ăn vào giờ thứ sáu, người bị phạt sẽ ăn vào giờ thứ chín; anh em ăn vào giờ thứ chín thì người ấy sẽ ăn vào giờ chiều;7 cứ như thế cho đến khi đền tội xong và được tha.
Chương 25
NHỮNG LỖI NẶNG HƠN
                 
Ngày 2.3 – 2.7 – 1.11   
1 Anh em nào phạm lỗi nặng hơn, sẽ bị tuyệt thông nơi bàn cơm và cả nơi nhà nguyện. 2 Không ai trong anh em được giao tiếp hay chuyện vãn với người ấy. 3 Cứ để người ấy một mình làm việc đã chỉ định, kiên trì khóc lóc đền tội và suy niệm lời tuyên án khủng khiếp của thánh Tông Đồ rằng: 4 “Con người đó đã bị án tử nơi thân xác để linh hồn được cứu sống trong ngày Chúa đến”. 5 Người đó sẽ ăn một mình, theo độ lượng và giờ giấc do viện phụ ấn định. 6 Ai đi qua không được chúc lành cho họ và thức ăn của họ.
Chương 26
ANH EM KHÔNG CÓ PHÉP MÀ GIAO TIẾP
VỚI NHỮNG NGƯỜI BỊ TUYỆT THÔNG

Ngày 3.3 – 3.7 – 2.11   
1 Anh em nào không có phép của viện phụ mà dám giao tiếp với người bị tuyệt thông bằng bất cứ cách nào, hoặc chuyện vãn hoặc loan báo điều gì, 2 sẽ bị cùng một vạ tuyệt thông.
Chương 27
VIỆN PHỤ PHẢI SĂN SÓC
ANH EM BỊ TUYỆT THÔNG ThẾ NÀO?

 Ngày 4.3 – 4.7 – 3.11  
1 Viện phụ phải hết lòng lo lắng săn sóc những anh em lầm lỗi. Thầy thuốc không cần cho người lành mạnh nhưng cho người ốm đau. 2 Vì thế, ngài phải dùng mọi phương cách như một lương y lành nghề, ngài sai những người thân cận, nghĩa là những vị lão thành khôn ngoan, 3 để kín đáo an ủi người anh em đang chao đảo và khích lệ họ khiêm tốn đền tội, nâng đỡ họ cho khỏi quá buồn phiền, 4 như thánh Tông Đồ đã nói: “Với anh em ấy hãy bác ái gấp bội”, và mọi người phải cầu nguyện cho họ.5 Viện phụ hãy tận lực săn sóc và đem hết tài trí khôn khéo lo lắng cho họ, để không một con chiên nào được ủy thác cho ngài bị hư mất. 6 Ngài phải biết ngài đã nhận trọng trách hướng dẫn các linh hồn yếu đuối, chứ không phải là một bạo quyền trên các linh hồn lành mạnh. 7 Ngài hãy biết sợ lời Thiên Chúa răn đe qua miệng ngôn sứ: chiên nào xem ra béo tốt ngươi giữ lấy cho mình, còn con nào ốm yếu ngươi loại ra. 8 Ngài hãy học gương hiền dịu của Ðấng Chăn Chiên nhân lành, bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm một con chiên lạc, 9 và thương xót nó yếu đuối, thậm chí không ngại vác nó trên vai thánh mình mà đưa về đàn chiên.
Chương 28
NHỮNG NGƯỜI ĐÃ BỊ SỬA PHẠT NHIỀU LẦN
MÀ KHÔNG TU CHỈNH

Ngày 5.3 – 5.7 – 4.11    
1 Anh em nào đã bị sửa phạt nhiều lần vì một lỗi nào đó, cả đến hình phạt tuyệt thông, mà vẫn không chịu tu chỉnh thì phải chịu phạt thẳng ngặt hơn, nghĩa là đánh đòn. 2 Bị sửa phạt như thế mà vẫn cố chắp, lại còn nổi kiêu muốn bênh vực lỗi mình - mong đừng xảy ra như thế - thì viện phụ hãy xử sự như lương y cao tay. 3 Nếu đã dùng lời khuyên bảo như thuốc đắp thuốc xoa, lời lẽ Thánh Kinh như thuốc uống, và cuối cùng hình phạt tuyệt thông hoặc đánh đòn như hỏa cứu, 4 mà vẫn thấy vô hiệu, thì ngài hãy dùng tới thứ linh dược này là lời cầu nguyện của ngài và của toàn thể anh em, 5 để Chúa là Đấng toàn năng cứu chữa người anh em ốm liệt đó. 6 Nếu như vậy vẫn không chữa khỏi, lúc ấy viện phụ hãy dùng lưỡi dao sắc bén như lời thánh Tông Đồ dạy : “Hãy khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh em”. 7 Lại rằng: “Người bất trung có muốn đi thì cứ đi”. 8 Kẻo một con chiên bệnh làm lây nhiễm cả đàn.
Chương 29
CÓ NÊN NHẬN LẠI NHỮNG ANH EM
ĐÃ RA KHỎI ĐAN VIỆN KHÔNG?

Ngày 6.3 – 6.7 – 5.11   
1 Anh em nào đã vì nết xấu của mình mà bỏ đan viện, nếu muốn trở về, trước hết phải cam kết sửa lại thói hư đã làm cớ cho mình ra khỏi đan viện. 2 Lúc đó sẽ được nhận vào chỗ cuối cùng, để thử lòng khiêm tốn. 3 Nếu lại bỏ ra đi, sẽ còn được tái nhận tới lần thứ ba, nhưng tự hậu người anh em đó phải biết sẽ không còn đường trở về nữa.
Chương 30
PHẢI SỬA PHẠT CÁC TRẺ EM THẾ NÀO?

Ngày 7.3 – 7.7 – 6.11  
1 Mỗi tuổi, mỗi trình độ hiểu biết, cần được cư xử theo một mức độ riêng. 2 Vì thế thiếu niên hay các em nhỏ tuổi hơn, hoặc kém tầm hiểu biết, chưa có khả năng nhận định sự nặng nề của hình phạt tuyệt thông, 3 nếu phạm lỗi phải bắt giữ chay thật ngặt, hoặc đánh đòn cho đau để chúng sửa mình.
Chương 31
NGƯỜI QUẢN LÝ ĐAN VIỆN PHẢI THẾ NÀO?

 Ngày 8.3 – 8.7 – 7.11  
1 Hãy chọn quản lý cho đan viện người nào trong cộng đoàn tỏ ra khôn ngoan, có tư cách chín chắn, tiết độ, không mê ăn, không kiêu căng, không hiếu động, không hay la mắng, không chậm chạp, không hoang phí; 2 trái lại có lòng kinh sợ Chúa và biết xử sự như người cha của cộng đoàn. 3 Quản lý phải biết chăm lo hết mọi việc, 4 không làm gì ngoài lệnh viện phụ. 5 Hãy tuân giữ những gì đã truyền, 6 đừng làm anh em buồn. 7 Khi có ai đến xin điều gì không hợp lý, không nên tỏ vẻ khinh bỉ làm phiền lòng anh em, nhưng hãy khéo léo khước từ cách khiêm tốn lời xin vô lý. 8 Quản lý phải biết lo cho linh hồn mình, hãy nhớ lời thánh Tông đồ : “Ai phục vụ tốt sẽ được trọng thưởng ”. 9 Hãy hết dạ săn sóc bệnh nhân, trẻ em, khách và người nghèo. Ngài nên biết rằng: tới ngày phán xét, ngài sẽ phải tường trình về những người ấy. 10 Ngài hãy coi tất cả những dụng cụ và của cải đan viện như bình thánh trên bàn thờ, 11 chớ coi thường vật nào. 12 Đừng hà tiện, đừng hoang phí, đừng phá tán tài sản đan viện, mọi sự phải có mực thước và theo lệnh viện phụ truyền.
Ngày 9.3 – 9.7 – 8.11     
13 Trước hết ngài phải có lòng khiêm tốn, gặp ai xin điều gì không sẵn, hãy biết trả lời nhã nhặn, 14 như đã viết: một lời tốt lành hơn quà tặng quý giá . 15 Điều viện phụ ủy thác, ngài hãy chăm lo, điều viện phụ cấm, ngài chở làm. 16 Hãy phân phát khẩu phần thường lệ cho anh em, đừng hách dịch, cũng đừng chậm trễ kẻo làm anh em vấp phạm, hãy nhớ lời Chúa cảnh cáo kẻ làm dịp tội cho một trẻ nhỏ. 17 Nếu cộng đoàn đông, hãy cho người phụ giúp, như thế ngài sẽ bình an chu toàn phận sự ủy thác. 18 Phát cũng như xin phải có giờ nhất định, 19 để không ai phải phiền hà hay buồn chán trong nhà Chúa.
Chương 32
DỤNG CỤ VÀ TÀI SẢN ĐAN VIỆN

 Ngày 10.3 – 10.7 – 9.11    
1 Tài sản đan viện gồm có dụng cụ, áo quần và các vật khác. Viện phụ hãy để ý xem anh em nào mà đời sống và tư cách có thể làm cho ngài an tâm, 2 và trao phó cho mỗi người một thứ để họ giữ gìn và thu cất. 3 Viện phụ sẽ giữ một bản thống kê các đồ ấy để khi thay đổi công tác cho anh em, ngài có thể biết ngài đã trao gì, nhận gì. 4 Nếu ai trông nom tài sản đan viện cách cẩu thả hay lười biếng, thì phải cảnh cáo; 5 nếu không sửa mình, hãy phạt theo luật.
Chương 33
CÁC ĐAN SĨ CÓ ĐƯỢC GIỮ
CỦA GÌ RIÊNG KHÔNG?
                 
Ngày 11.3 – 11.7 – 10.11    
1 Phải đặc biệt trừ tận gốc tật xấu này khỏi đan viện. 2  Đừng ai tự tiện cho hay nhận một vật gì khi chưa có phép viện phụ, 3hoặc giữ riêng vật gì: tuyệt nhiên không có vật gì, dù cuốn sách, dù bảng viết, hay cây bút, nói tắt là không gì cả, 4 vì ngay đến bản thân và ý muốn họ cũng không còn quyền làm chủ nữa. 5 Mọi nhu cầu, hãy mong chờ nơi gia trưởng, không bao giờ đan sĩ được có của gì mà không do viện phụ phân phát hay cho phép. 6 Mọi sự hãy là của chung, như đã chép, đừng ai nói hoặc chiếm lấy vật gì làm của riêng mình. 7 Nếu gặp ai vui thích với tật xấu rất độc hại này, hãy cảnh cáo một hai lần, 8 nếu không sửa mình sẽ bị phạt theo luật.
Chương 34
PHẢI CHĂNG MỌI NGƯỜI ĐỀU NHẬN
NHU YẾU PHẨM BẰNG NHAU?
                                
Ngày 12.3 – 12.7 – 11.11  
1 Có lời chép: “Đã phân phát cho ai nấy tùy nhu cầu của họ”, 2 do vậy cha không nói phải thiên vị cá nhân - mong đừng xảy ra như thế. Nhưng hãy xét đến sự yếu đuối của anh em. 3 Kẻ cần ít, hãy cảm tạ Chúa và đừng buồn; 4 người cần nhiều, hãy tự hạ vì mình yếu đuối, chứ đừng tự cao vì được thương xót. 5 Như thế mọi phần tử đều sống trong bình an. 6 Cần nhất đừng phàn nàn vì bất luận một lý do nào. Đừng để thói xấu đó xuất hiện, dù bằng lời nói hay cử chỉ. 7 Ai lỗi phạm điều này sẽ bị trọng phạt.
Chương 35
CÔNG TÁC LÀM BẾP TRONG TUẦN
                      
 Ngày 13.3 – 13.7 – 12.11   
1 Anh em hãy phục vụ lẫn nhau, nên không ai được miễn công tác làm bếp, trừ khi bệnh tật hay bị ngăn trở bởi một công tác nào khác hữu ích hơn; 2 vì nhờ đó ta được thêm phần thưởng và đức ái. 3 Đối với những anh em yếu sức, hãy cho người phụ giúp để họ chu toàn nhiệm vụ mà không buồn phiền; 4 vậy mọi người đều được phụ giúp, tùy tình trạng cộng đoàn và hoàn cảnh địa phương. 5 Nếu cộng đoàn đông thì miễn công tác làm bếp cho quản lý, hay cho những ai bận công tác nào hữu ích hơn, như cha đã nói trên. 6 Còn những anh em khác, hãy lấy đức ái mà phục vụ lẫn nhau. 7 Ngày thứ bảy, người ra phiên hãy tổng vệ sinh nhà bếp. 8 Khăn anh em dùng lau chân tay, phải giặt sạch. 9 Kẻ ra và người vào phiên hãy phụ nhau rửa chân cho anh em. 10 Các dụng cụ công tác, hãy giao trả cho quản lý sạch sẽ lành lặn; 11 quản lý lại giao cho người vào phiên, như thế ngài biết trao gì và nhận gì.
Ngày 14.3 – 14.7 – 13.11    
12 Một giờ trước bữa ăn, ngoài khầu phần thường lệ, anh em phiên tuần được ăn uống chút gì, 13 để khi đến giờ cơm, họ có thể phục vụ anh em mà khỏi phàn nàn vì nhọc mệt quá. 14 Tuy nhiên trong những ngày đại lễ, phải đợi cho xong lễ đã. 15Người vào và kẻ ra phiên hãy quỳ phục trước mặt mọi người trong nhà nguyện, khi vừa kết thúc giờ Kinh Sáng Chúa nhật, để xin cầu nguyện cho mình. 16 Kẻ ra phiên đọc : “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa đã trợ giúp và an ủi con”. 17 Đọc xong ba lần thì nhận phép lành rồi lui ra. Sau đó, người vào phiên đọc: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ”. 18Cũng đọc ba lần như trên, cộng đoàn lặp lại, rồi lãnh phép lành mà vào phiên.
Chương 36
ANH EM ĐAU YẾU
                      
Ngày 15.3 – 15.7 – 14.11    
1 Trước hết và trên hết mọi sự phải để ý săn sóc bệnh nhân như phục vụ chính Chúa Kitô, 2 vì ngài đã phán: “Ta đau ốm và các con đã viếng thăm”. 3 Và rằng: “Điều gì các con làm cho một trong những kẻ bé mọn này là làm cho chính Ta”. 4 Còn những anh em đau ốm phải nhận thức rằng người ta phục vụ mình là vì tôn kính Chúa, nên đừng quá yêu sách mà làm phiền lòng những kẻ giúp mình. 5 Tuy nhiên, ta phải kiên nhẫn chịu dựng những anh em ấy, vì nhờ họ mà ta được nhiều công phúc hơn. 6 Viện phụ phải rất mực quan tâm để ý kẻo anh em đau ốm bị bỏ rơi cách nào chăng. 7 Nên cho anh em đau ốm ở riêng một nơi. Hãy cử một anh em có lòng kính sợ Chúa và siêng năng cần mẫn để săn sóc họ. 8 Phải cho bệnh nhân tắm rửa mỗi khi cần. Còn người mạnh khoẻ và nhất là anh em trẻ thì ít khi cho phép ấy. 9 Anh em đau ốm và kiệt sức cũng nên cho dùng thịt để bổ sức lại. Khi đã phục hồi sức khoẻ, những anh em ấy lại kiêng thịt như bình thường. 10 Viện phụ phải hết sức quan tâm kẻo quản lý hay những anh em phụ trách chểnh mảng việc săn sóc bệnh nhân, vì chính ngài sẽ chịu trách nhiệm về bất cứ thiếu sót nào của môn đệ.
Chương 37
NGƯỜI GIÀ VÀ TRẺ EM

Ngày 16.3 – 16.7 – 15.11   
1 Mặc dù tự bản tính, người ta thường dễ thông cảm với người già và trẻ em, nhưng luật cũng phải dùng thẩm quyền của mình mà đối xử đặc biệt với họ nữa. 2 Phải luôn quan tâm tới sự yếu đuối của họ, đừng khắt khe với họ trong việc ăn uống; 3trái lại, phải biết nhân nhượng và cho họ dùng bữa trước giờ đã định.
Chương 38
NGƯỜI ĐỌC SÁCH TRONG TUẦN

Ngày 17.3 – 17.7 – 16.11    
1 Trong khi anh em dùng bữa, đừng bỏ đọc sách bao giờ. Nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể cầm sách mà đọc, chỉ ai vào phiên từ ngày Chúa nhật mới đọc cả tuần. 2 Dự lễ và rước lễ xong, ai vào phiên sẽ xin mọi người cầu nguyện cho mình, để Chúa gìn giữ khỏi tính phô trương. 3 Phải xướng câu này ba lần trong nhà nguyện để mọi người lặp lại: “Lạy Chúa, xin mở miệng con, để con vang tiếng ngợi khen Ngài”. 4 Và sau khi đã nhận phép lành, người ấy sẽ bắt đầu vào phiên đọc sách. 5 Tại bàn ăn, phải triệt để giữ thinh lặng, không ai được xì xào hay nói năng gì, ngoại trừ tiếng người đọc sách. 6 Anh em hãy chuyển cho nhau thức ăn thức uống cần thiết, đừng để ai phải xin gì. 7 Nhưng nếu cần gì, thì nên dùng dấu hiệu mà xin hơn là nói. 8 Đừng ai tự tiện hỏi về sách đọc hay bất cứ điều gì khác trong lúc đó kẻo sinh dịp không hay, 9 trừ khi bề trên muốn nói đôi lời xây dựng. 10 Vì đã giữ chay rước lễ, nên anh em phiên tuần có thể ăn chút ít trước khi đọc sách, sợ rằng vì giữ chay mà sinh mệt mỏi. 11 Sau đó, anh em ấy sẽ dùng bữa với người làm bếp và giúp bàn. 12 Đọc sách hay hát xướng không cần theo thứ tự, nhưng tùy theo ai có khả năng làm ích cho người nghe.
Chương 39
PHÂN LƯỢNG THỨC ĂN
Ngày 18.3 – 18.7 – 17.11    
1 Trong bữa ăn hằng ngày, vào giờ sáu hay giờ chín, cha thiết tưởng chỉ dọn hai món nấu chín là vừa, xét theo sự yếu đuối của mỗi người; 2 như thế, ai không dùng được món này thì dùng món kia. 3 Vậy hai món nấu chín là vừa cho anh em, nếu có hoa quả hoặc rau tươi có thể thêm món thứ ba. 4 Mỗi ngày một cân bánh là đủ, dù ăn một bữa hay hai bữa, trưa và tối. 5 Nếu có bữa tối, quản lý dành lại một phần ba cân bánh để dọn bữa tối. 6 Khi làm việc vất vả khác thường, viện phụ có thể thêm gì tùy ý, nếu xét là cần.7 Tuy nhiên, phải tránh thái quá, đừng để đan sĩ bội thực bao giờ, 8 vì không gì trái với tư cách Kitô hữu cho bằng ăn uống vô độ. 9 Như lời Chúa dạy: “Anh em hãy ý tứ đừng để lòng mình ra nặng nề bởi chè chén say sưa”. 10 Đối với trẻ em, đừng dọn cùng một phân lượng, nhưng ít hơn người lớn, để luôn giữ chừng mực trong mọi sự. 11 Mọi người phải tuyệt đối kiêng thịt loài bốn chân, ngoại trừ những người đau yếu kiệt sức.
Chương 40
PHÂN LƯỢNG THỨC UỐNG
Ngày 19.3 – 19.7 – 18.11   
1 Mỗi người được Chúa ban ơn riêng, kẻ thế này người thế nọ; 2 vì vậy cha rất ái ngại khi phải ấn định mức độ ăn uống cho kẻ khác. 3 Nhưng vì nhân nhượng cho những người yếu đuối, cha tưởng mỗi ngày một ly rượu cho mỗi người là vừa. 4 Còn những ai Chúa ban cho đủ sức kiêng cữ, thì hãy biết rằng mình sẽ được phần thưởng đặc biệt. 5 Nếu vì hoàn cảnh địa phương hay vì công việc nặng nhọc, hoặc vì thời tiết mùa hè nóng bức, cần dùng nhiều hơn, thì tùy bề trên định đoạt. Nhưng phải coi chừng kẻo dùng quá mức đến nỗi say sưa; 6 vì sách có câu: “Rượu không hợp với đan sĩ chút nào”. Nhưng vì không thể thuyết phục các đan sĩ đời nay xác tín điều ấy, nên ít ra phải quy định một điều là không nên uống thái quá, mà phải điều độ; 7vì rượu cũng làm cho người khôn phản giáo được. 8 Nơi nào hoàn cảnh khó khăn không liệu được phân lượng nói trên, hoặc có ít hoặc không có chút nào, anh em nơi ấy hãy chúc tụng Chúa chứ đừng phàn nàn. 9 Điều cha khuyên nhủ trên hết mọi sự là đừng bao giờ phàn nàn kêu trách.
Chương 41
ANH EM DÙNG BỮA VÀO GIỜ NÀO ?

Ngày 20.3 – 20.7 – 19.11
1 Từ lễ Phục Sinh đến lễ Hiện Xuống, anh em dùng bữa trưa vào giờ thứ sáu và bữa tối vào ban chiều. 2 Từ lễ Hiện Xuống và suốt cả mùa hè, nếu anh em không phải làm việc ngoài đồng, hoặc khí trời không quá nóng bức, thì ngày thứ tư và thứ sáu anh em giữ chay cho đến giờ thứ chín. 3 Còn những ngày khác anh em dùng cơm trưa vào giờ thứ sáu. 4 Nếu phải làm việc ngoài đồng hoặc vì mùa hè quá nóng nực, anh em dùng bữa vào giờ thứ sáu, tùy sự định đoạt của viện phụ. 5 Ngài hãy điều hoà xếp đặt mọi sự thế nào cho các linh hồn được cứu độ, và cho anh em chu toàn bổn phận mà không phàn nàn kêu ca. 6Từ mười bốn tháng chín đến đầu mùa chay, anh em dùng bữa vào giờ thứ chín. 7 Trong suốt mùa chay đến lễ Phục Sinh sẽ dùng bữa sau Kinh Chiều. 8 Phải sắp xếp giờ Kinh Chiều thế nào để khi dùng bữa không phải thắp đèn, nhưng mọi sự phải xong khi trời còn sáng. 9 Vả lại, mùa nào cũng thế, dù có bữa tối hay chỉ có bữa trưa, phải liệu sao để có thể dùng bữa khi trời còn sáng.
Chương 42
KHÔNG AI ĐƯỢC NÓI SAU GIỜ KINH TỐI
Ngày 21.3 – 21.7 – 20.11   
1 Lúc nào đan sĩ cũng phải chuyên tâm giữ thinh lặng, nhất là ban đêm. 2 Vì thế bất luận ngày nào, dù ngày giữ chay hay ngày có ăn trưa, 3 nếu vào ngày có ăn trưa, thì liền sau bữa tối, anh em quy tụ lại một nơi, rồi một anh em sẽ đọc các bài giáo thuyết hay hạnh tích các tổ phụ hoặc một sách gì khác xây dựng cho người nghe. 4 Nhưng đừng đọc bộ Ngũ Kinh hay sách Các Vua, vì phần Thánh Kinh ấy không bổ ích cho những anh em kém trí. Hãy đọc những sách ấy vào giờ khác. 5 Nếu là ngày giữ chay, sau Kinh Chiều, anh em có giờ rảnh, rồi hãy mau mắn hội lại nghe sách như nói trên: 6 đọc chừng bốn năm trang hay nhiều ít tùy thời gian cho phép. 7 Trong giờ đọc sách này, anh em phải mau mắn tụ tập đông đủ, kể cả những ai đang mắc công tác được ủy nhiệm. 8 Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, sẽ đọc Kinh Tối. Sau giờ Kinh Tối, không ai được nói năng gì nữa. 9 Nếu ai lỗi luật thinh lặng này sẽ bị nghiêm phạt, 10 trừ trường hợp phải tiếp khách hoặc viện phụ muốn truyền bảo ai điều gì. 11 Nhưng cả trong trường hợp đó cũng phải hết sức nghiêm trang và thận trọng.
Chương 43
GIỜ THẦN VỤ VÀ GIỜ ĂN
Ngày 22.3 – 22.7 – 21.11     
1 Tới giờ Thần Vụ, vừa nghe hiệu báo, ai nấy phải bỏ ngay những gì đang cầm trong tay và nhanh chân đến dự. 2 Tuy nhiên vẫn phải nghiêm trang để khỏi sinh dịp chia trí. 3 Đừng lấy gì làm hơn việc Chúa. 4 Trong giờ Kinh Đêm ai đến sau Vinh Danh của Thánh Vịnh 94 thì không được vào chỗ mình trong ca toà, vì thế cha muốn Thánh Vịnh này được đọc thong thả, 5 nhưng phải đứng chỗ cuối cùng hoặc nơi nào viện phụ đã chỉ định cho hạng người chậm trễ như vậy, để ngài và mọi người trông thấy. 6 Cuối giờ Thần Vụ, người ấy phải công khai làm việc đền tội. 7 Cha bắt phải đứng chỗ cuối cùng hay nơi riêng như thế để mọi người trông thấy, khiến phải xấu hổ mà sửa mình. 8 Còn nếu để họ ở ngoài nhà nguyện, thì có kẻ sẽ về ngủ hoặc trò chuyện vớ vẩn sinh dịp cho ma quỷ; 9 thà cho vào nhà nguyện, vừa giữ được giờ kinh, vừa có dịp sửa mình. 10 Trong các giờ kinh ban ngày, ai đến sau câu xướng và sau Vinh Danh của Thánh Vịnh thứ nhất, sẽ phải đứng vào chỗ cuối cùng như đã nói trên, 11 không được vào ca toà cho đến khi xong, trừ khi viện phụ tha lỗi và cho phép. 12 Nhưng dù sao người ấy cũng phải đền tội.
Ngày 23.3 – 23.7 – 22.11
13 Giờ dùng bữa, ai không đến trước câu xướng để cùng đọc câu ấy với lời nguyện rồi cùng ngồi vào bàn, 14 nếu vì ươn lười hay thói quen chậm trễ, sẽ bị khiển trách đến hai lần, 15 nếu sau đó vẫn không sửa mình, thì đừng cho dùng bữa ăn chung ,16 phải ăn riêng một mình và mất phần rượu cho đến khi đền tội và sửa mình xong. 17 Ai vắng mặt lúc đọc câu kết sau bữa ăn cũng bị phạt. 18 Không ai được ăn uống gì ngoài giờ luật định, 19 nếu bề trên có cho ai của gì mà người ấy không nhận, sau lại ước muốn điều mình đã từ chối hay thứ gì khác thì đừng cho gì cả, cho tới khi đền tội xứng đáng.
Chương 44
NHỮNG NGƯỜI BỊ TUYỆT THÔNG
PHẢI ĐỀN TỘI THẾ NÀO?
Ngày 24.3 – 24.7 – 23.11   
1 Ai vì lỗi nặng mà bị tuyệt thông nơi nhà nguyện và nhà cơm, phải lặng lẽ phủ phục trước cửa nhà nguyện đang khi anh em cử hành Thần Vụ, 2 và cứ nằm dài sấp mặt xuống đất dưới chân mọi người khi anh em đi ra khỏi nhà nguyện; 3 và làm như thế cho tới khi viện phụ xét là đã đền tội đủ. 4 Khi viện phụ bảo, người ấy phải đến phục dưới chân ngài và anh em để mọi người cầu nguyện cho. 5 Bấy giờ nếu viện phụ bảo, người ấy mới được tái nhập ca toà theo thứ tự ngài chỉ định, 6 dù thế, trong nhà nguyện vẫn không được xướng Thánh Vịnh, đọc sách hay làm bất cứ điều gì khác nếu viện phụ chưa ban phép. 7Và sau tất cả các giờ kinh Thần Vụ, người ấy phải phục xuống đất tại chỗ mình 8 mà đền tội như thế cho đến khi viện phụ bảo thôi. 9 Những ai vì lỗi nhẹ mà chỉ bị tuyệt thông nơi bàn ăn thì phải đền tội trong nhà nguyện, l0 và đền tội như thế theo lệnh viện phụ cho đến khi ngài chúc lành và bảo: đủ rồi.
Chương 45
NHỮNG NGƯỜI SAI LỖI
TRONG NHÀ NGUYỆN

Ngày 25.3 – 25.7 – 24.11
1 Ai sai lỗi khi đọc Thánh Vịnh, đáp ca, tiền ca hay bài đọc, nếu không khiêm tốn đền tội ngay tại chỗ trước mặt mọi người sẽ bị phạt nặng hơn, 2 vì đã không khiêm tốn sửa lại điều mình sai lỗi do chểnh mảng. 3 Thiếu niên mà làm thế sẽ bị đánh đòn.  
Chương 46
NHỮNG SAI LỖI TRONG CÁC NƠI KHÁC

Ngày 26.3 – 26.7 – 25.11  
1 Trong khi làm bất cứ việc gì ở nhà bếp, nhà kho, trong xưởng, ở lò bánh, ngoài vườn, hay làm nghề gì bất cứ ở đâu, nếu ai sai lỗi, 2 như làm bể, đánh mất vật gì, hoặc làm chi thái quá, 3 mà không lập tức đến thú lỗi và tạ tội trước viện phụ và cộng đoàn, 4 trong khi đó kẻ khác đã biết lỗi của mình, thì người ấy sẽ bị sửa phạt nghiêm ngặt hơn. 5 Nhưng nếu là lỗi thầm kín trong tâm hồn thì chỉ nên bày tỏ với viện phụ hay với các vị linh hướng. 6 Các ngài biết cách chữa lành vết thương của mình và của kẻ khác mà không tiết lộ hoặc nói ra công khai.
Chương 47
PHẢI BÁO GIỜ THẦN VỤ THẾ NÀO?
Ngày 27.3 – 27.7 – 26.11    
1 Báo giờ Thần Vụ ngày đêm là trách nhiệm của viện phụ. Chính ngài phải tự đảm nhận hoặc giao việc ấy cho một anh em cần mẫn để mọi sự được chu toàn đúng giờ đã định. 2 Những ai được chỉ định cất xướng Thánh Vịnh hay tiền ca, hãy cất xướng theo thứ tự mình sau viện phụ. 3 Đừng ai tự tiện hát hay đọc, nếu không có khả năng chu toàn phận sự ấy để làm ích cho người nghe. 4 Ai được viện phụ truyền bảo, hãy chu toàn nhiệm vụ này cách khiêm tốn, nghiêm túc và kính cẩn.
Chương 48
VIỆC LAO ĐỘNG CHÂN TAY HẰNG NGÀY

Ngày 28.3 – 28.7– 27.11    
1 Ở nhưng là thù địch của linh hồn, thế nên anh em phải có giờ làm việc chân tay, có giờ đọc sách. 2 Cha thiết tưởng có thể xếp đặt thời giờ cho hai việc ấy như sau: 3 Từ lễ Phục Sinh đến ngày 14 tháng 9, từ giờ thứ nhất đến khoảng giờ thứ tư anh em đi làm những công việc cần thiết. 4 Từ gìờ thứ tư đến khoảng giờ thứ sáu, anh em đọc sách. 5 Sau giờ thứ sáu, khi đã ăn xong, anh em về giường nghỉ, triệt để giữ thinh lặng. Ai muốn đọc sách thì cứ đọc riêng một mình, miễn sao không làm phiền kẻ khác. 6 Kinh Giờ Chín đọc sớm hơn thường, vào lúc giờ tám rưỡi, rồi anh em lại đi làm cho tới giờ Kinh Chiều. 7 Nếu vì nhu cầu địa phương hay cảnh khó nghèo đòi hỏi mà phải gặt hái thì anh em không nên buồn phiền, 8 vì chỉ khi nào sống bằng thành quả lao động của mình như Cha Ông ta và các Tông đồ, ta mới thật là đan sĩ. 9 Nhưng dù sao trong mọi sự phải giữ chừng mực, vì còn có những anh em yếu sức.
Ngày 29.3 – 29.7 – 28.11     
10 Từ 14 tháng 9 đến đầu mùa chay, anh em đọc sách đến hết giờ thứ hai, 11 sau đó đọc kinh Giờ Ba, rồi ai nấy đi làm việc đã chỉ cho đến giờ thứ chín. 12 Khi nghe báo hiệu kinh Giờ Chín lần đầu, mọi người ngưng việc và sẵn sàng khi nghe hiệu lần hai.13 Dùng bữa xong, anh em đọc sách hay đọc tu luật. 14 Trong mùa chay, từ sáng đến hết giờ thứ ba, anh em đọc sách rồi đi làm việc đến giờ thứ mười. 15 Trong những ngày mùa chay, mọi người lĩnh sách nơi thư viện và tuần tự đọc cho hết, 16 các sách đó được phát từ đầu mùa chay. 17 Giờ đọc sách phải chỉ định một hay hai anh em cao niên đi xem xét, 18 trông chừng kẻo có ai lười biếng không chăm chỉ đọc sách, hoặc ở nhưng, hoặc nói chuyện phiếm, chẳng những thiệt hại cho mình mà còn làm người khác chia trí. 19 Nếu bắt gặp người nào như thế - mong đừng có vậy - thì hãy khiển trách một hai lần, 20 nếu không sửa mình hãy chiếu luật mà nghiêm phạt để người khác sợ. 21 Những giờ cấm anh em không được giao tiếp với nhau.
Ngày 30.3 – 30.7 – 29.11     
22  Ngày Chúa nhật, anh em chuyên lo đọc sách, trừ những người bận công tác đã được chỉ định. 23 Nếu ai chểnh mảng hay lười biếng đến nỗi không thể suy niệm hay đọc sách được, hãy giao cho họ một công việc để khỏi ở nhưng. 24 Với những anh em bệnh hoạn hay yếu sức, hãy giao cho họ một việc hay một nghề gì để khỏi nhàn rỗi, mà cũng không nặng nhọc quá đến nỗi phải lẩn trốn. 25 Viện phụ phải lưu tâm đến sự yếu đuối của những anh em này.
Chương 49
VIỆC GIỮ MÙA CHAY

Ngày 31.3 – 31.7 – 30.11     

1 Lẽ ra lúc nào đan sĩ cũng phải sống như trong mùa chay. 2 Nhưng ít người có can đảm sống được như thế. Vậy trong mùa chay cha khuyên ai nấy hãy giữ đời sống mình cho thật tinh tuyền. 3 Đồng thời trong những ngày thánh ấy hãy gột rửa những sơ xuất của các mùa khác. 4 Điều đó có thể thực hiện được nếu ta chế ngự mọi tật xấu, tha thiết cầu nguyện, đọc sách, thành tâm sám hối và thực hành chay tịnh. 5 Vậy trong những ngày này, ta hãy thêm đôi chút vào nghĩa vụ thường nhật, như cầu nguyện riêng, bớt ăn uống. 6 Ngoài mức luật định, mỗi người hãy có chút gì tự nguyện dâng lên Thiên Chúa trong niềm vui của Thánh Thần. 7 Chẳng hạn như thân xác bớt ăn uống, bớt ngủ nghỉ, bớt bông đùa để tâm hồn được hân hoan mong đợi lễ Phục Sinh. 8 Tuy nhiên, mỗi người hãy trình bày với viện phụ để ngài chấp nhận và cầu nguyện cho.
Chương 50
ANH EM LÀM VIỆC
XA NHÀ NGUYỆN HOẶC ĐI ĐƯỜNG
Ngày 1.4 – 1.8 – 1.12    
1 Anh em làm việc quá xa không thể về đúng giờ kinh trong nhà nguyện được 2 và viện phụ cũng nhận thấy thế, 3 hãy lấy lòng kính sợ Chúa mà quì xuống tại nơi làm việc để cử hành phụng vụ giờ kinh. 4 Anh em đi đường cũng vậy, không được bỏ các giờ kinh như luật định nhưng phải cố gắng đọc riêng tùy sức, đừng trễ nải bỏ bổn phận phụng thờ.
Chương 51
ANH EM ĐI ĐƯỜNG KHÔNG XA MẤY

Ngày 2.4 – 2.8 – 2.12   
1 Anh em đi đường vì một công tác nào đó và hy vọng có thể trở về đan viện trong ngày, thì đừng tự tiện ăn uống ở ngoài, cho dù có ai khẩn khoản mời đi nữa, 2 trừ khi viện phụ ban phép. 3 Ai vi phạm sẽ bị tuyệt thông.
Chương 52
NHÀ NGUYỆN ÐAN VIỆN
 Ngày 3.4 – 3.8 – 3.12    
1 Nhà nguyện phải đúng danh xưng là nhà nguyện, không được làm gì hay để gì khác ở đó. 2 Giờ Thần Vụ vừa xong, mọi người triệt để im lặng đi ra với hết lòng cung kính Chúa, 3 để anh em nào muốn cầu nguyện riêng khỏi bị phiền hà ngăn trở. 4Còn những lúc khác, ai muốn cầu nguyện âm thầm một mình, cứ đơn sơ vào cầu nguyện, không lớn tiếng ồn ào, nhưng với nước mắt và lòng chân thành. 5 Vậy, ai không giữ như thế, sẽ không được ở lại nhà nguyện sau giờ Thần Vụ, như cha đã nói, để khỏi làm phiền người khác.
Chương 53
VIỆC TIẾP ĐÓN KHÁCH

 Ngày 4.4 – 4.8 – 4.12   
1 Mọi khách đến đan viện phải được đón tiếp như Chúa Kitô vì chính Người đã nói: “Ta  khách và các con đã đón tiếp Ta”. 2Phải tỏ lòng tôn trọng xứng hợp với từng người, nhất là những người phục vụ Tin Mừng và khách hành hương. 3 Vậy vừa khi được tin khách đến, bề trên hoặc anh em hãy hết tình bác ái mà mau mắn đi đón khách, 4 hãy cùng nhau cầu nguyện trước đã rồi mới trao bình an. 5 Cầu nguyện trước khi hôn bình an là để tránh những lừa phỉnh của ma quỷ. 6 Ta hãy hết lòng khiêm tốn chào hỏi khách đến cũng như khách đi. 7 Hãy cúi đầu hoặc phủ phục thờ lạy và đón tiếp Chúa Kitô nơi quý khách.  8 Khi đã đón chào, hãy dẫn khách đi cầu nguyện, sau đó bề trên hoặc người được bề trên chỉ định ở lại tiếp khách. 9 Hãy đọc luật Chúa cho họ nghe để mưu ích cho họ, rồi ân cần tiếp đãi. 10 Vì có khách nên bề trên khỏi giữ chay, trừ phi đó là ngày chay buộc, 11 anh em khác vẫn giữ chay như thường. 12 Viện phụ đưa nước cho khách rửa tay, 13 viện phụ và cả cộng đoàn cùng rửa chân cho khách. 14 Rửa xong thì đọc câu này: "Lạy Chúa, chúng con đã đón nhận lòng thương xót Chúa ngay giữa đền thánh Chúa”. 15 Với người nghèo và khách hành hương, ta phải hết sức ân cần đón tiếp, vì hơn nơi ai khác chính nơi họ mà ta đón tiếp Chúa Kitô. Còn về người giầu, nguyên việc kính nể đã làm ta tôn trọng họ.
Ngày 5.4 – 5.8 – 5.12
16 Nhà bếp cho viện phụ và khách phải riêng biệt, để khi bất thần khách đến sẽ không gây phiền hà cho anh em, vì không bao giờ đan viện thiếu khách. 17 Mỗi năm hãy cử hai anh em phụ trách bếp khách. 18 Những anh em đó sẽ hoàn tất chu đáo công việc, khi cần cho thêm người giúp, để họ phục vụ mà không phàn nàn; nhưng khi không bận lắm, các anh em ấy đi làm việc khác đã chỉ định. 19 Điều này không những áp dụng cho các anh em làm bếp khách mà còn cho mọi công tác khác của đan viện: 20 khi cần, cho thêm người giúp và khi rảnh thì đi làm theo lệnh truyền. 21 Phòng khách cũng vậy, phải trao cho một anh em có lòng kính sợ Chúa. 22 Phòng khách phải được trang bị giường chiếu đầy đủ, và nhà Chúa phải có những người khôn ngoan quản trị cách khéo léo. 23 Đừng ai tiếp xúc hay chuyện trò với khách khi chưa có phép. 24 Nếu gặp khách hay trông thấy khách, hãy khiêm tốn chào họ như cha đã nói, và xin họ chúc lành mà đi, hãy nói cho họ biết là mình không được phép truyện trò với khách.
Chương 54
ĐAN SĨ CÓ ĐƯỢC NHẬN
THƯ TỪ HAY TẶNG VẶT KHÔNG?
Ngày 6.4 – 6.8 – 6.12    
1 Không có lệnh viện phụ, đan sĩ không được phép nhận hay trao gửi thư từ, quà biếu, hay một tặng vật nhỏ nào, dù là của cha mẹ, của bất cứ ai, ngay cả của anh em đồng tu. 2 Nếu cha mẹ cho gì cũng đừng tự tiện nhận, trừ khi đã trình viện phụ trước. 3 Dù viện phụ cho phép nhận thì ngài cũng có quyền cho ai tùy ý. 4 Anh em được tặng đừng buồn kẻo sinh dịp cho ma quỷ. 5 Ai tự tiện làm thể khác sẽ bị phạt theo luật.
Chương  55
Y PHỤC VÀ GIẦY DÉP ANH EM

Ngày 7.4 – 7.8 – 7.12    
1 Việc cấp phát y phục cho anh em phải thích hợp với hoàn cảnh và khí hậu địa phương nơi họ ở; 2 vì xứ lạnh cần nhiều hơn, còn xứ nóng cần ít hơn. 3 Viện phụ phải lưu tâm đến vấn đề đó. 4 Còn những miền khí hậu ôn hoà, cha thiết tưởng đan sĩ có một áo thụng và một áo dài là đủ, 5 mùa đông áo dày, mùa hạ áo mỏng hay cũ; 6 có áo vai để làm việc, cũng phát vớ và giày dép nữa. 7 Đan sĩ đừng bận tâm đến màu sắc hay vẻ thô sơ của những thứ ấy. Địa phương có sao ta dùng vậy, và thường mua sắm thứ rẻ tiền hơn. 8 Viện phụ để ý đến kích thước sao cho y phục ai dùng thì vừa tầm vóc người ấy, đừng ngắn quá. 9Khi lãnh đồ mới, luôn luôn phải trả ngay đồ cũ để cất vào phòng áo cho người nghèo. 10 Để thay đổi ban đêm và giặt giũ, mỗi đan sĩ có hai áo thụng và hai áo dài là đủ . 11 Còn gì nữa là thừa, phải bỏ bớt. 12 Giầy dép hay đồ gì cũ đều phải trả lại khi nhận đồ mới. 13 Anh em đi đường đến phòng áo lãnh đồ mặc lót, khi về giặt sạch trả lại. 14 Tại phòng áo cũng có sẵn áo thụng, áo dài tốt hơn thứ thường để anh em đi đường đến lãnh dùng, khi về trả lại.
Ngày 8.4 – 8.8 – 8.12    
15 Đồ trang bị giường ngủ gồm đủ chiếu, chăn, mền, gối. 16 Viện phụ phải năng kiểm soát giường chiếu anh em, để không ai có của gì riêng. 17 Nếu gặp ai có của gì không do viện phụ cấp phát, người ấy sẽ bị trọng phạt. 18 Để nhổ tận gốc thói xấu giữ của riêng, viện phụ phải cấp phát những gì là cần thiết: 19 áo thụng, áo dài, giầy dép, giây lưng, dao, bút, kim, khăn tay, bảng viết... để không ai viện cớ mình còn thiếu. 20 Viện phụ hãy luôn luôn suy niệm châm ngôn này trong Công Vụ Tông Đồ: “Người ta phân phát cho mỗi người tùy nhu cầu của họ“. 21 Vậy viện phụ hãy xét đến sự yếu đuối của những người có nhu cầu, chứ đừng theo ý xấu cửa kẻ ganh tị. 22 Nhưng trong mọi quyết định, ngài hãy nhớ Chúa sẽ xét xử theo việc ngài làm.
Chương 56
BÀN ĂN CỦA VIỆN PHỤ
               
Ngày 9.4 – 9.8 – 9.12     
1 Viện phụ bao giờ cũng dùng bữa với trú khách và khách hành hương. 2 Những khi ít khách, ngài có thể gọi một vài anh em tùy ngài muốn. 3 Tuy nhiên, luôn luôn phải để một hay hai anh em cao niên ở lại với cộng đoàn để giữ kỷ luật.
Chương 57
NHỮNG ANH EM THẠO NGHỀ
TRONG ĐAN VIỆN

Ngày 10.4 – 10.8 – 10.12   
     1 Nếu trong đan viện có anh em thạo nghề, họ hãy hành nghề với tất cả lòng khiêm tốn, miễn là viện phụ cho phép. 2 Nếu ai trong họ kiêu căng cậy mình biết nghề, tưởng mình làm lợi cho đan viện, 3 người ấy sẽ bị ngưng việc, không được làm nữa, trừ khi đã khiêm tốn và viện phụ bảo làm lại. 4 Nếu phải bán sản phẩm của các anh em hành nghề, những ai lo việc này hãy ý tứ đừng gian tham. 5 Luôn nhớ tới Anania và Saphira, sợ rằng cái chết mà vợ chồng này đã chuốc vào thân xác, 6 thì những anh em ấy và những ai gian lận tài sản của đan viện phải mang lấy nơi linh hồn. 7  Còn về giá cả, đừng để tật xấu hà tiện lẻn vào, 8  nhưng luôn luôn bán hạ giá hơn người đời một chút, 9  để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh.
Chương  58
CÁCH THỨC NHẬN ANH EM
Ngày 11.4 – 11.8 – 11.12     
1 Ai mới đến xin tu, không nên dễ dàng nhận ngay. 2 Nhưng theo lời thánh Tông Đồ : “Hãy nghiệm xét các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa không ?”. 3 Vậy nếu người đến xin tu kiên nhẫn gõ cứa, chịu đựng những sỉ nhục và khó khăn để xin vào; sau bốn năm hôm, vẫn kiên tâm nài xin, 4 bấy giờ mới nhận và cho ở nhà khách ít ngày.
5 Sau đó dẫn vào nhà tập, nơi họ sẽ suy niệm và nghỉ ngơi, ăn uống. 6 Hãy đặt một vị lão thành có khả năng thu phục lòng người để chăm chú quan sát, 7 xem họ có thực tâm tìm Chúa, có mộ mến thần vụ, yêu thích vâng lời và ham chuộng sỉ nhục không. 8 Nói trước cho họ biết tất cả mọi cực khổ cam go, nhờ đó họ mới đến được với Chúa. 9 Nếu họ hứa kiên trì bền đỗ, sau hai tháng, tuần tự đọc trọn luật này cho họ nghe, 10 hãy nói với họ: đây là luật mà con muốn theo để chiến đấu, nếu có thể giữ được con hãy vào, nếu không con cứ tự do rút lui. 11 Nếu họ còn kiên vững, lúc ấy hãy dẫn họ về nhà tập và bằng mọi cách lại thử lòng kiên nhẫn của họ. 12 Sau một kỳ sáu tháng, đọc luật cho họ nghe, để họ biết mình vào Dòng làm gì. 13 Nếu còn kiên vững, lại đọc luật này cho họ nghe thêm một kỳ bốn tháng nữa.
14 Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, nếu họ hứa giữ mọi điều và tuân theo tất cả các lệnh truyền, bấy giờ họ mới được gia nhập cộng đoàn, 15 họ phải biết rằng, do luật buộc, từ nay họ không được ra khỏi đan viện nữa, 16 cũng không được trút bỏ ách lề luật mà họ đã có thể từ chối hay chấp nhận sau một thời gian suy xét lâu dài như vậy.
Ngày 12.4 – 12.8 – 12.12   
17 Người được nhập cộng đoàn sẽ hứa: bền đỗ, canh tân và vâng phục, trước nhan Thiên Chúa và các thánh của ngài, trong nhà nguyện, trước mặt mọi người, 18 để sau này nếu có lúc nào họ hành động thể khác, hãy biết rằng Ðấng mà họ nhạo báng sẽ luận phạt họ. 19 Về lời khấn này, họ phải viết tờ khấn nhân danh các thánh có hài cốt tại đó và có viện phụ hiện diện.20 Tờ khấn này chính đương sự phải tự tay viết lấy; nếu không biết chữ thì nhờ người khác viết thay rồi khấn sinh ký tên và tự tay đem đặt trên bàn thờ. 21 Đặt xong, khấn sinh xướng ngay câu này : “Lạy Chúa, xin đón nhận con theo lời Chúa để con được sống và con sẽ không thất vọng vì đã trông đợi Chúa”. 22 Toàn thể cộng đoàn lặp lại ba lần và hát tiếp “Vinh Danh”. 23Sau đó, khấn sinh đến phủ phục dưới chân từng người xin cầu nguyện cho mình. Và từ giờ ấy được kể là thành phần của cộng đoàn.
24 Nếu có của cải gì, thì trước đó hoặc phân phát cho người nghèo, hoặc long trọng dâng cho đan viện, không giữ lại chút gì cho mình, 25 vì khấn sinh nên biết rằng từ ngày ấy mình không có chủ quyền ngay cả trên bản thân mình nữa.
26 Vậy, tại nhà nguyện hãy cởi thường phục họ đang mặc và mặc cho họ y phục đan viện. 27 Y phục họ cởi ra hãy giữ lại trong nhà may 28 để nếu khi nào họ theo ma quỷ dụ dỗ mà bỏ đan viện - mong đừng xảy ra như thế - bấy giờ hãy cởi y phục đan viện và cho họ đi. 29 Còn tờ khấn mà viện phụ đã nhận từ bàn thờ, họ không được xin lại nhưng phải lưu giữ trong đan viện.
Chương 59
NGƯỜI QUÍ PHÁI HAY NGƯỜI NGHÈO
DÂNG CON CHO CHÚA
                   
Ngày  13.4 – 13.8  – 13.12   
1 Khi có ai thuộc hàng quý phái dâng con cho Chúa trong đan viện, nếu con trẻ còn ít tuổi, thì cha mẹ làm đơn xin, như cha đã nói trên. 2 Họ lấy khăn bàn thờ bọc tờ đơn và tay con trẻ cùng với của lễ mà dâng. 3 Còn về tài sản, hoặc làm đơn thề hứa không bao giờ tự mình, hay nhờ trung gian, hay dùng cách nào mà cho con trẻ vật gì, hay tạo dịp cho nó có của, hoặc nếu họ không làm như thế mà muốn dâng cúng cho đan viện đôi chút để trả ơn, 5 thì cứ dâng tùy ý, và nếu muốn dành lại cho mình quyền hưởng hoa lợi cũng được. 6 Như thế là chặn mọi lối làm dịp cho con trẻ có thể sa vào cạm bẫy mà hư đi - mong đừng xảy ra như vậy -, đó là điều cha đã học qua kinh nghiệm rồi. 7 Những người nghèo hơn cũng làm như thế. 8 Còn ai tuyệt đối không có của gì, chỉ cần làm đơn và dâng con mình cùng với của lễ trước mặt các chứng nhân.
Chương 60
NHỮNC LINH MỤC
MUỐN GIA NHẬP ĐAN VIỆN

Ngày 14.4 – 14.8 – 14.12  
1 Nếu có ai trong hàng linh mục xin nhập đan viện, thì đừng chấp thuận ngay. 2 Nhưng nếu ngài cứ một mực xin, ngài nên biết mình phải giữ mọi khoản trong tu luật, 3 không được chuẩn miễn, như đã viết : “Này bạn, bạn đến đây làm gì? ”. 4 Tuy nhiên, hãy đặt ngài đứng sau viện phụ, và ngài chúc lành hay cử hành Thánh lễ theo như viện phụ bảo; 5 nếu không, ngài đừng tự tiện làm gì. Ngài hãy biết mình phải tuân giữ luật chung và nêu gương khiêm nhường hơn nữa cho mọi người. 6 Khi có vấn đề bổ nhiệm chức vụ hay công tác gì trong đan viện, 7 ngài cứ giữ thứ tự ngày vào Dòng, chứ không theo thứ vị người ta dành cho mình vì kính chức linh mục. 8 Nếu ai trong hàng giáo sĩ cũng có nguyện vọng muốn gia nhập đan viện, hãy dành cho họ chỗ trung bình, 9 với điều kiện họ hứa giữ tu luật và bền đỗ.
Chương 61
ĐÓN TIẾP ĐAN SĨ KHÁCH NHƯ THẾ NÀO?

Ngày 15.4 – 15.8 -15.12   
 1 Khi có đan sĩ lạ từ xa đến, nếu họ muốn trú ngụ tại đan viện 2 và bằng lòng sống theo tập tục ở đó, không yêu sách kiêu kỳ làm rối đan viện, 3 nhưng đơn sơ gặp sao ưng vậy, thì hãy tiếp nhận họ vào ở bao lâu tùy ý. 4 Nếu vì bác ái khiêm nhường, họ có phê bình hay chỉ bảo điều gì hợp lý, viện phụ hãy khôn ngoan cứu xét, biết đâu vì lý do đó mà Chúa sai họ đến. 5 Nếu về sau, họ muốn xin được vĩnh cư thì đừng từ chối vì trong thời gian cư trú ta đã thẩm định được hạnh kiểm họ thế nào.
Ngày 16.4 – 16.8 – 16.12    
6 Nếu trong thời gian cư trú thấy họ hay yêu sách và xấu nết thì không những đừng cho gia nhập đan viện 7 mà còn nhã nhặn mời họ đi, để kẻ khác khỏi lây nhiễm sự bất hạnh của họ. 8 Còn nếu thấy không đáng loại, thì chẳng những nên cho gia nhập đan viện nếu họ xin, 9 mà còn nên thuyết phục họ vĩnh cư để nêu gương cho kẻ khác. 10 Vì ở đâu ta cũng phụng sự một Chúa và chiến đấu cho một Vua. 11 Hơn nữa, nếu thấy xứng đáng, viện phụ có thể nâng họ lên chỗ cao hơn một tí. 12 Vả lại, không những đan sĩ mà cả các linh mục và các giáo sĩ đã nói trên đây, viện phụ có thể cất nhắc lên chỗ cao hơn lúc vào Dòng, nếu thấy họ xứng đáng. 13 Nhưng viện phụ nên thận trọng, đừng bao giờ nhận một đan sĩ của một đan viện quen biết vào ở nhà mình khi không có sự đồng ý hoặc thư giới thiệu của viện phụ đan sĩ ấy. 14 Vì có lời chép: “Điều con không muốn kẻ khác làm cho con, thì con đừng làm cho họ”.
Chương 62
CÁC LINH MỤC CỦA ĐAN VIỆN

Ngày 17.4 – 17.8 – 17.12   
1 Nếu viện phụ muốn xin phong chức linh mục hay phó tế cho đan viện mình, ngài cứ chọn trong anh em người nào xứng đáng thi hành chức vụ ấy. 2 Còn người được tiến chức, phải giữ mình đừng tự phụ kiêu căng 3 và không tự tiện làm gì ngoài điều viện phụ bảo, vì biết rằng mình càng phải tuân giữ kỷ luật kỹ càng hơn, 4 đừng ỷ chức linh mục mà quên vâng giữ luật lệ và kỷ cương. Trái lại, ngày càng phải tiến hơn lên trong Chúa. 5 Ngài cứ giữ thứ vị ngày gia nhập đan viện, 6 trừ khi phục vụ bàn thờ hoặc được cộng đoàn chọn và viện phụ muốn nhắc lên cao hơn, vì thấy ngài nhiều công lao đức hạnh. 7 Tuy nhiên, ngài nên nhớ mình phải giữ quy luật đã ấn định cho các trưởng nhóm và các vị phụ trách.
8 Nếu ngài dám hành động cách khác, sẽ bị coi như kẻ phiến loạn chứ không phải linh mục nữa. 9 Nếu được cảnh cáo nhiều lần mà không hối cải, thì xin Đức Giám Mục xác nhận cho. 10 Nếu đến thế vẫn không hối cải, tội lỗi đã hiển nhiên, 11 mà còn cố chấp không muốn phục tùng, không vâng theo tu luật thì hãy loại ra khỏi đan viện.

Chương 63
THỨ VỊ TRONG ĐAN VIỆN
Ngày 18.4 – 18.8 – 18.12  
1 Trong đan viện, mọi người hãy giữ thứ vị của mình, được quy định theo ngày vào dòng hoặc theo công đức hay theo viện phụ ấn định. 2 Tuy nhiên viện phụ đừng gây xáo trộn trong đoàn chiên đã được ủy thác cho mình và chớ tự tiện định đoạt điều gì bất công. 3 Ngài hãy luôn tâm niệm mình sẽ phải tường trình với Chúa về mọi phán đoán và hành vi của mình.
4 Vậy anh em hãy cứ theo thứ vị viện phụ đã ấn định, hoặc đã nhận được lúc vào dòng mà đi lãnh bình an, rước lễ, xướng Thánh Vịnh và đứng trong ca toà. 5 Bất luận ở đâu cũng đừng theo tuổi mà quy định thứ vị 6 vì Samuel và Đaniel tuy còn là thiếu niên mà đã xét xử cả những bậc lão thành.
7 Bởi thế, ngoại trừ những ai được viện phụ nhắc lên vì lý do chính đáng hay có đủ lẽ hạ xuống như đã nói trên, còn mọi người khác hãy giữ chỗ mình theo thời gian nhập dòng. 8 Ví dụ người tới đan viện vào giờ thứ hai, dù tuổi tác hay danh phận thế nào, cũng phải tự coi là đàn em của người đến vào giờ thứ nhất. 9 Tuy nhiên, đối với trẻ em, trong bất cứ việc gì, mỗi người hãy lo cho chúng tuân giữ kỷ luật.
Ngày 19.4 – 19.8 – 19.12   
10 Vậy đàn em hãy kính trọng đàn anh, đàn anh hãy yêu thương đàn em. 11 Về việc xưng hô, không ai được phép gọi suông tên người khác, 12 Nhưng đàn anh hãy gọi người dưới là “em”, còn đàn em phải xưng đàn anh là “cha”, để tỏ lòng kính trọng họ như cha.
13 Vì tin viện phụ là đại diện Chúa Kitô, nên ta hãy gọi ngài là cha viện phụ, không phải vì ngài tự gán cho mình danh hiệu đó, nhưng vì ta tôn kính và yêu mến Chúa Kitô. 14 Còn riêng ngài, ngài hãy tâm niệm điều đó và hãy tỏ ra xứng đáng với danh dự ấy.
15 Anh em gặp nhau bất cứ ở đâu, đàn em phải xin đàn anh chúc lành cho. 16 Khi đàn anh đi qua, đàn em hãy đứng lên nhường chỗ cho đàn anh ngồi, và chớ tự tiện ngồi khi đàn anh chưa mời ngồi, 17 hầu giữ đúng như lời đã chép: “Anh em hãy ân cần tôn kính lẫn nhau”.
18 Trẻ em và thanh niên hãy giữ thứ vị của mình ở nhà nguyện cũng như ở nhà cơm. 19 Còn ở ngoài những nơi ấy và bất cứ ở đâu, phải trông coi sửa dạy chúng cho tới khi đến tuổi khôn.
Chương 64
VỀ VIỆC BẦU VIỆN PHỤ

Ngày 20.4 – 20.8 – 20.12   
1 Trong việc bầu viện phụ, bao giờ cũng theo quy tắc này là phải đặt lên người nào đã được cả cộng đoàn nhất trí tuyển chọn vì lòng kính sợ Chúa, hoặc do một thiểu số dù rất nhỏ trong cộng đoàn có phán đoán lành mạnh hơn. 2 Phải chọn người có đời sống đạo đức và giáo lý khôn ngoan, dù là người ở thứ vị rốt hết trong cộng đoàn.
3 Nếu cả cộng đoàn cùng toa rập để chọn người đồng lõa với tính mê nết xấu của mình - mong đừng thế - 4 và thói xấu ấy đến tai Đức Giám Mục giáo phận, các viện phụ hay giáo hữu chung quanh bằng bất luận cách nào, 5 thì các ngài hãy liệu ngăn cản để mưu ác không thành, và lo đặt người xứng đáng lên quản trị nhà Chúa, 6 vì hẳn các ngài biết rằng sẽ được trọng thưởng, nếu các ngài làm việc ấy cách trong sáng và nhiệt thành vì Chúa; trái lại sẽ mắc tội, nếu các ngài không quan tâm.
Ngày 21.4 – 21.8 – 21.12   
7 Khi đã được đặt lên làm viện phụ, ngài  hãy luôn nhớ gánh nặng nào mình đón nhận và với Ðấng nào mình sẽ phải thưa lại về cách quản trị của mình. 8 Ngài nên biết phải phục vụ hơn là cai trị. 9 Vậy ngài phải thông thạo luật Chúa để biết nơi nào trích dẫn những điều mới điều cũ. Ngài phải thanh khiết, điều độ, khoan nhân, 10 bao giờ cũng giầu tình thương hơn xét đoán nghiêm ngặt để chính ngài cũng được đối xử như thế. 11 Ngài phải ghét nết xấu và thương anh em. 12 Ngay khi quở trách, ngài cũng phải cư xử khôn ngoan, không gì thái quá, kẻo khi muốn cạo sạch rỉ sét lại làm vỡ cả bình. 13 Ngài chớ bao giờ quên phận mình dòn mỏng và nhớ đừng đạp giập cây sậy đã gẫy.
14 Nói thế, cha không có ý bảo ngài dung túng thói hư tật xấu nhưng phải bài trừ những nết xấu ấy trong tình bác ái khôn ngoan, sao cho phù hợp với từng người, như cha đã nói. 15 Ngài cố gắng cư xử thế nào cho anh em yêu mến hơn là sợ hãi.
16 Đừng hiếu động cũng đừng lo lắng, đừng quá khích cũng đừng cố chấp, đừng ghen tương cũng đừng nghi ngờ quá độ; nếu không, ngài sẽ chẳng bao giờ được bình an thư thái. 17 Khi phải ra lệnh, ngài hãy suy trước tính sau cho thật chín chắn. Truyền dạy điều gì, bất luận đạo đời, ngài cũng nên cân nhắc thận trọng một vừa hai phải. 18 Nhớ gương cẩn trọng của thánh Giacóp khi người nói: “Nếu tôi thúc đàn chiên đi quá sức, chúng sẽ chết hết trong một ngày”. 19 Vậy, ngài hãy lấy lời đó và nhiều chứng từ khác về sự cẩn trọng là mẹ các nhân đức, để biết điều hoà mọi sự sao cho người mạnh còn muốn làm thêm và kẻ yếu không lẩn trốn.
20 Nhất là trong mọi sự việc, ngài hãy giữ đúng tu luật này; 21 để khi đã phục vụ tốt, ngài sẽ nghe Chúa phán với mình như với người tôi tớ tốt lành đã cứ đúng giờ phân phát lúa gạo cho các bạn đồng nghiệp rằng: 22 “Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy làm quản lý tất cả tài sản của mình”.
Chương 65
VỀ VIỆN PHÓ CỦA ĐAN VIỆN
                 
Ngày 22.4 – 22.8 – 22.12    
1 Trong các đan viện thường nảy sinh những gương xấu trầm trọng do việc phong viện phó. 2 Quả thế, có những kẻ bị thần dữ kiêu căng xui xiểm tự coi mình là viện phụ thứ hai, nên tranh quyền đoạt vị gây gương xấu và gieo bất hoà trong cộng đoàn; 3 nhất là những nơi viện phó được phong bởi chính vị tư tế hay bởi các viện phụ đã chúc phong viện phụ mình. 4 Ai cũng dễ thấy việc làm như thế là phi lý chừng nào, bởi lẽ ngay từ đầu, khi vừa được phong, viện phó đã có lý do để kiêu căng,5nghĩ mình đã thoát quyền viện phụ, 6 vì lẽ mình cũng được phong bởi chính các vị đã chúc phong viện phụ. 7 Từ đó nảy sinh những chuyện ghen tương cãi vã, nói hành tranh chấp, bất hoà rối loạn. 8 Một khi viện phụ và viện phó đã có những tâm tình xung khắc nhau và mối bất hoà cứ kéo dài như thế, linh hồn các ngài tránh sao được những hiểm nguy. 9 Và kẻ bề dưới hùa theo phe này phe nọ, tất cũng lâm vào cảnh diệt vong. 10 Hậu quả của hiểm hoạ này đổ lên đầu những ai đã gây nên tình trạng hỗn loạn như thế.
Ngày 23.4 – 23.8 – 23.12   
11 Vậy cha thiết tưởng, để duy trì sự bình an và bác ái, viện phụ phải được toàn quyền tổ chức đan viện theo ý mình; 12 và nếu có thể, hãy đặt các trưởng nhóm như cha đã quy định trước đây, để theo chỉ thị của viện phụ họ điều hành mọi việc hữu ích trong đan viện. 13 Khi công việc được ủy thác cho nhiều người, thì một người khỏi kiêu căng. 14 Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh đòi hỏi hoặc cộng đoàn thỉnh cầu cách khiêm tốn và hợp lý và viện phụ xét là nên, 15 thì ngài hãy bàn hỏi với những anh em kính sợ Chúa, rồi chọn ai tùy ý mà đặt làm viện phó của mình.
16 Còn viện phó, hãy cung kính thi hành những gì viện phụ ủy thác, đừng làm gì nghịch ý hay trái lệnh ngài, 17 vì càng được nâng cao hơn kẻ khác, càng phải giữ luật kỹ hơn. 18 Nếu viện phó tỏ ra xấu nết, hoặc kiêu căng tự phụ, hay khinh thường tu luật, hãy dùng lời cảnh cảo đến bốn lần, 19 nếu không tu sửa hãy chiếu luật nghiêm phạt. 20 Nếu như thế vẫn không hối cải, hãy cách chức viện phó đi và đặt người khác xứng đáng lên thay. 21 Sau đó, nếu vẫn không chịu ở yên và cứ bất phục trong cộng đoàn, hãy loại ra khỏi đan viện. 22 Tuy nhiên, viện phụ hãy nhớ mình sẽ phải tường trình trước Thiên Chúa về mọi phán đoán của mình, đừng để lửa phân bì ghen tương nung nấu tâm hồn.
Chương 66
NGƯỜI GIỮ CỔNG ĐAN VIỆN
               
Ngày 24.4 – 24.8 – 24.12    
1 Ở cổng đan viện nên đặt một người đứng tuổi, khôn ngoan, biết ứng đáp và trưởng thành để khỏi chạy dông dài. 2 Người giữ cổng phải có phòng gần cổng để bất luận khách đến lúc nào cũng sẵn có người đón tiếp . 3 Vừa nghe có ai gõ cửa hay kẻ nghèo kêu xin, người giữ cổng hãy thưa ngay “Tạ ơn Chúa”, hay “Ngợi khen Chúa”. 4 Rồi hết sức dịu dàng lấy lòng kính sợ Chúa mau mắn trả lời với tình bác ái nhiệt thành. 5 Nếu cần người giúp đỡ thì cho một anh em nhỏ tuổi hơn. 6 Còn đan viện, nếu có thể, phải thiết lập thế nào để mọi thứ cần thiết như nước, cối xay, vườn tược hay các thứ công nghệ, đều được làm trong nội vi đan viện, 7 để đan sĩ khỏi bó buộc phải ra ngoài, vì điều đó không hề thích hợp cho linh hồn họ. 8 Bản luật này, cha muốn năng đọc trong cộng đoàn để không anh em nào chữa mình là không biết.
Chương 67
NHỮNG ANH EM  ĐI ĐƯỜNG

Ngày 25.4 – 25.8 – 25.12         
1 Những anh em cần đi đường, phải xin toàn thể anh em và viện phụ cầu nguyện cho; 2 và trong lời nguyện cuối cùng của giờ Thần Vụ, bao giờ cũng phải nhắc đến mọi người vắng mặt. 3 Còn những anh em đi đường, ngay hôm trở về, sau giờ Thần Vụ, hãy phục xuống đất ở nhà nguyện 4 xin mọi người cầu nguyện cho, vì những sai lỗi có thể mắc phải khi đi đường như: mắt thấy, tai nghe những điều xấu xa, hoặc miệng nói những lời phù phiếm.
5 Đừng ai tự tiện thuật lại cho người khác bất cứ điều gì mắt thấy, tai nghe ở ngoài đan viện, vì đó là điều tai hại khủng khiếp.6 Ai dám làm thế sẽ chiếu luật mà sửa phạt. 7 Ai tự tiện ra ngoài nội vi đan viện, bất luận đi đâu hay làm gì, dù chẳng quan trọng bao nhiêu, nếu không có phép của viện phụ thì cũng bị phạt như thế.
Chương 68
ANH EM NHẬN LỆNH TRUYỀN
VƯỢT QÚA KHẢ NĂNG

Ngày 26.4 – 26.8 – 26.12   
1 Nếu anh em nào được giao những công việc nặng nhọc hoặc không sao kham nổi, hãy cứ tuân lệnh với tất cả sự hiền từ và vâng phục. 2 Nếu thấy công việc quá nặng vượt hẳn sức mình, hãy nhẫn nại và tìm cơ hội thuận tiện trình bày với bề trên những lý do khiến mình không làm nổi, 3 chứ đừng kiêu căng chống lại hay phản đối. 4 Nếu sau khi đã trình bày, mà bề trên vẫn giữ nguyên lệnh cũ, bề dưới hãy biết như thế là ích lợi cho mình 5 và lấy lòng yêu mến, cậy trông ơn Chúa giúp sức mà vâng lời.
Chương 69
TRONG ĐAN VIỆN
ĐỪNG AI BÊNH VỰC NGƯỜI KHÁC

Ngày 27.4 – 27.8 – 27.12   
1 Trong đan viện phải thận trọng đề phòng, đừng ai bênh vực hay bảo hộ cho một đan sĩ khác, 2 bất cứ trong trường hợp nào, dù có quan hệ thân thích với nhau thế nào cũng vậy. 3 Đan sĩ không được tự tiện làm thế bất luận cách nào, vì đó là dịp nặng nề sinh nhiều gương xấu. 4 Ai vi phạm điều này sẽ bị nghiêm phạt.
Chương 70
ĐỪNG AI TỰ TIỆN ĐÁNH ĐẬP ANH EM
Ngày 28.4 – 28.8 – 28.12     
1 Trong đan viện phải tránh mọi dịp kiêu căng tự phụ, 2 nên cha định rằng, không ai được phép tuyệt thông hay đánh đập anh em, nếu không được viện phụ ủy quyền. 3 Những ai lỗi phạm điều này sẽ bị sửa phạt công khai cho người khác sợ. 4 Còn trẻ em dưới mười lăm tuổi, mọi người phải lo cho chúng giữ kỷ luật, trông coi chúng. 5 Nhưng phải hết sức chừng mực và hợp lý. 6 Ai tự tiện làm gì xúc phạm người lớn tuổi hơn, bất luận cách nào, ngoài lệnh viện phụ, hay nổi giận cách thiếu cẩn trọng với trẻ em, sẽ bị kỷ luật. 7 Vì có lời chép : “Điều con không muốn làm cho con, thì đừng làm cho người khác”.
Chương 71
ANH EM HÃY VÂNG LỜI  NHAU

Ngày 29.4 – 29.8 – 29.12       
1 Không những mọi người phải bày tỏ sự tốt lành của đức vâng phục đối với viện phụ, mà anh em cũng phải vâng lời nhau, 2vì biết mình sẽ phải qua con đường vâng phục mà đến cùng Thiên Chúa. 3 Vậy, ngoài lệnh truyền của viện phụ hay các vị hữu trách do ngài đặt lên, không bao giờ cha cho phép anh em đặt một lệnh riêng tư nào lên trên. 4 Còn trong các trường hợp khác, anh em hãy hết lòng yêu mến và ân cần vâng phục đàn anh mình. 5 Gặp ai tỏ ra chống đối, sẽ bị sửa phạt.
6 Khi anh em bị viện phụ hoặc vị phụ trách nào quở trách, bất luận vì lý do gì, dù nhỏ mọn đến đâu; 7 nếu thấy các ngài hơi tỏ dấu bực mình hay khó chịu một chút, 8 thì lập tức phục ngay xuống đất tạ tội dưới chân các ngài, tới khi các ngài nguôi giận và chúc lành cho mới thôi. 9 Ai không chịu làm thế, hãy phạt phần xác, hoặc nếu còn cố chấp, hãy loại ra khỏi đan viện.

Chương 72
LÒNG NHIỆT THÀNH TỐT
CÁC ĐAN SĨ PHẢI CÓ
 Ngày 30.4 – 30.8 – 30.12     
1 Như có thứ nhiệt tâm xấu xa cay đắng làm xa cách Chúa và đưa xuống hoả ngục, 2 thì cũng có thứ nhiệt tâm tốt lành giúp xa lìa nết xấu, dẫn đến Chúa và đời sống vĩnh cửu. 3 Đó là thứ nhiệt tâm mà đan sĩ phải say mê tập luyện, 4 nghĩa là phải ân cần tôn kính lẫn nhau, 5 hết sức nhẫn nại chịu đựng những yếu đuối xác hồn của nhau; 6 thi đua vâng lời nhau; 7 đừng ai chạy theo tư lợi, nhưng tốt hơn hãy mưu ích cho tha nhân, 8 yêu thương nhau trong tình huynh đệ thanh khiết, 9 kính sợ Chúa trong đức ái, 10 kính yêu viện phụ trong tình mến chân thành và khiêm tốn. 11 Tuyệt đối không lấy gì làm hơn Chúa Kitô, nguyện xin Ngài dẫn đưa tất cả ta đến cuộc sống muôn đời.
Chương 73
BẢN LUẬT NÀY
KHÔNG BAO HÀM TẤT CẢ
CHƯƠNG TRÌNH NÊN THÁNH

Ngày 1.5 – 31.8 – 31.12     
1 Cha viết bản luật này, để khi tuân giữ trong đan viện ta mới chứng tỏ mình sống lương thiện phần nào hoặc mới bắt đầu vào đời tu. 2 Còn nếu muốn mau chóng đạt tới đỉnh trọn lành của đời tu thì đã có giáo huấn của các Thánh Phụ, ai tuân giữ giáo huấn này sẽ đạt tới đỉnh hoàn thiện .
3 Thực vậy, có trang nào, lời nào Chúa phán trong Cựu Ước và Tân Ước lại không phải là quy tắc rất mực ngay chính cho đời sống con người? 4 Có sách nào của các Thánh Phụ công giáo lại chẳng lên tiếng dẫn đường chỉ lối cho ta chạy thẳng đến với Ðấng Tạo Thành ta? 5 Những bài thuyết trình của các Giáo Phụ, các quy chế và hạnh tích của các ngài, và bản tu luật của Cha thánh Basiliô là gì? 6 Nếu không phải là những lợi khí luyện đức cho các đan sĩ đạo hạnh và vâng lời đó sao? 7 Còn ta, vốn ươn lười xấu nết và chểnh mảng, hãy coi đó mà tự thẹn.
8 Vậy dù con là ai mà nôn nóng tiến về quê trời, thì nhờ Chúa Kitô trợ giúp, con hãy giữ trọn bản tu luật nhỏ bé này được viết cho người mới bắt đầu. 9 Khi ấy, nhờ Chúa giữ gìn, con sẽ đạt tới đỉnh cao đạo lý và nhân đức cha vừa trình bày trên kia. Amen.

Nguồn:  https://sites.google.com/site/chanlyvinhcuu/tu-luat-cua-thanh-bien-dhuc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét